Lật tung Hà Nội tìm... rác
Nhóm Cánh buồm no gió gồm 8 em là Lưu Thùy Minh, Lê Đào Minh Nhật, Nguyễn Doãn Thành An, Nguyễn Huyền My, Phạm Hữu Thành Duy, Trần Minh Châu, Huỳnh Trung Đức, học sinh lớp 10 của trường PTTH Hà Nội - Amsterdam, chuyên ĐH Sư phạm HN, chuyên Nguyễn Huệ, Lê Quý Đôn và em Lưu Thùy Anh, sinh viên trường ĐH KHXH và Nhân văn Hà Nội.
Thùy Minh cho biết, các thành viên trong nhóm chơi thân với nhau từ ngày mới vào cấp 2 và cùng yêu thích chương trình “biến bãi rác thành vườn hoa” phát sóng trên truyền hình.
Nhận thấy đây là một chương trình rất có ích đối với đời sống cộng đồng, nhóm bạn cùng bật lên ý tưởng khởi xướng một dự án của riêng mình với mục đích “biến các bãi rác quanh thành phố Hà Nội thành những vườn hoa đầy sắc màu”.
Đây là lần đầu tiên nhóm cùng thực hiện một hoạt động xã hội nên lúc đầu cũng có phần lúng túng. Nguyễn Doãn Thành An chia sẻ: “Ban đầu chúng em đi dọc các con phố quanh nhà xem có bãi rác nào không thì thấy có 2 bãi rác cùng nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân nhưng ý tưởng làm vườn hoa bị từ chối thẳng thừng. Ngay cả bác tổ trưởng tổ dân phố cũng từ chối, thậm chí gia đình đối diện bãi rác cũng lắc đầu nên nhóm đành lủi thủi ra về”.
Sau này có một người bạn ở khu vực Lê Trọng Tấn thông báo có 1 điểm người dân vứt rác bừa bãi nên cả nhóm cùng đến khảo sát và lên kế hoạch thực hiện. Sau đó, cả nhóm bắt đầu đi ghi nhận ý kiến của người dân xung quanh và xin tài trợ từ các công ty.
Chuyện xin tài trợ từ các công ty mới thật sự thể hiện sự “trẻ con” của các bạn trẻ. Lưu Thùy Minh hồn nhiên kể: “Chúng cháu biết một vài địa chỉ email của các công ty nên viết thư gửi đến, sau đó gọi điện và ngỏ lời. Ngay gần nhà cháu cũng có mấy công ty nên cháu tiện gửi luôn.
Không ngờ chỉ chưa đầy nửa ngày đã nhận được hồi âm với nội dung đồng ý tài trợ cho nhóm nhưng cũng có mấy công ty từ chối thẳng thừng”.
Bãi rác đầu tiên mà nhóm chung tay làm ở phố Lê Trọng Tấn, trước số nhà 229, ngõ 192. Kế hoạch ban đầu hết khoảng 8,3 triệu nhưng khi thực hiện phát sinh lên đến hơn 10 triệu. Thành An cho biết, do nhóm lên kế hoạch là bắt tay vào thực hiện ngay. Quá vui trước những gì đạt được nên dù chưa nhận đủ tiền từ các công ty tài trợ các bạn trẻ vẫn quyết định vào cuộc, thiếu đâu thì... tính toán sau.
Khởi đầu thành công
Kể lại những ngày đầu thực hiện dự án, Thùy Anh cho biết, ban đầu, khi tiếp xúc với người dân, đa số họ đều không tin những bạn trẻ vẫn còn đang tuổi “con nít” có thể làm được việc khó khăn ấy. Nhiều người dân còn cho rằng việc rác thải đã có công nhân môi trường lo, họ đã đóng phí vệ sinh nên có thể vứt rác bừa bãi “không đến lượt các cháu”.
Lưu Thùy Anh, với tư cách là “chị cả” của nhóm tâm sự: “Vượt qua những khó khăn, trở ngại, việc UBND phường sở tại đồng ý cho chúng em làm đã là một sự ủng hộ rất lớn rồi”.
|
Vườn hoa hôm nay... |
Minh Nhật cho biết thêm, vì khu vực bãi rác nằm trong đất quy hoạch, lại đang có tranh chấp nên ngày đầu mới đến, những người dân trong ngõ nghĩ nhóm là người của công ty nên xua đuổi, không đồng ý cho làm.
Thông cảm với thái độ của những người dân nên nhóm đành đi tiếp đến khu vực khác đề nghị ủng hộ rồi mới quay lại thuyết phục. Thậm chí nhóm phải đi cả buổi tối để có thể gặp được tất cả mọi người, mong mọi người đồng lòng ủng hộ.
6h30, một buổi sáng đúng ngày mưa bão nhóm chính thức ra quân thực hiện. 8 bạn trong nhóm không thiếu một ai. Sau cơn mưa, rác ngấm nước nặng hơn, giun, côn trùng bò ra rất nhiều, chưa kể đến mùi hôi thối nhưng các bạn trẻ không hề chùn bước, quyết tâm động viên nhau làm đến cùng.
Thấy các bạn trẻ đội mưa dọn rác, các cô bác nhà gần bãi rác cũng mang chổi, vác cuốc ra làm cùng. Không những thế, họ còn tự nguyện quyên góp tiền để nhóm có kinh phí làm tiếp mà không phải bỏ tiền túi ra ứng trước.
Thấy các con cùng nhau làm việc tốt, bố mẹ của các em cũng tham gia, cắt cử người đến làm cùng buổi tối. Một bác gái gần khu vực bãi rác nhiệt tình mời các bạn trẻ vào nhà mình nghỉ buổi tối để hôm sau làm tiếp và lo chuẩn bị cơm nước đầy đủ cho cả nhóm.
Ngày hôm sau bắt đầu việc trồng hoa, tạo cảnh. “Hữu xạ tự nhiên hương”, sau khi các bác quanh khu vực bãi rác bắt tay làm cùng dù trước đấy không tin vào các bạn trẻ thì đến lượt bác thợ xây đảm nhiệm phần chát xi măng, xây thô khi biết nhóm làm công việc tình nguyện vì cộng đồng cũng “góp một tay” bằng cách lấy rẻ tiền công và nhắn nhủ “bác sẽ cùng các cháu làm dự án này” và dặn “cứ gọi bác khi làm ở khu vực khác nhé”.
Sau khi hình thành một vườn hoa thay cho khu vực bãi rác trước đây, ngay buổi chiều ngày hoàn thành công việc, nhóm đã tiến hành tổ chức họp với khu dân cư và đại diện UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) để bàn phương án giữ gìn vườn hoa, lên phương án thu gom rác thải hợp lý để ai cũng vứt rác đúng chỗ, đúng giờ, đúng nơi quy định và quan trọng nhất là biện pháp để không mọc thêm các bãi rác tự phát khác.
Tất cả những ý kiến phát biểu trong buổi họp ngày hôm ấy đều bày tỏ sự xúc động sâu sắc, thậm chí có người còn cho rằng đây là “một giấc mơ”... “Trước đây, người dân vứt rác bừa bãi nhìn vừa bẩn thỉu, nhếch nhác lại hôi thối, làm xấu bộ mặt mỹ quan của đường phố thủ đô nhưng từ ngày vườn hoa xinh xắn ra đời, không chỉ thay đổi diện mạo mà mọi người cũng cảm thấy vui tươi, có ý thức giữ gìn vệ sinh hơn”, một người dân chia sẻ.
Mọi người còn phân công nhau để giữ gìn vườn hoa và nhắc nhở nhau cùng giữ vệ sinh môi trường để hành động đẹp này lan tỏa rộng hơn. Họ bàn nhau thực hiện “hương ước” nếu ai vứt rác bừa bãi sẽ phạt thật nặng.
Rồi phân công nhau tưới cây, quan sát, nhắc nhở những người vứt rác bừa bãi, nếu không được sẽ chụp ảnh lại rồi đưa ra trong buổi họp tổ dân phố và phạt. Cũng từ sự ra đời của vườn hoa này, tổ dân phố đã quyết định sáng thứ 7 hàng tuần sẽ huy động người dân làm vệ sinh chung.
Sau khi đã hoàn thành địa điểm đầu tiên, thi thoảng nhóm cũng quay lại để chăm sóc vườn hoa, thay những cây hoa héo úa, đã chết. Các bạn trẻ dự định khi đã vào năm học mới sẽ tranh thủ mọi thời gian có thể để cùng nhau thực hiện các dự án tiếp theo.
Thành An vui vẻ cho biết: “Có lẽ bãi rác tiếp theo sẽ là bãi rác ở đường Kim Đồng. Khi chúng cháu mới đến khảo sát, lấy ý kiến, đã có 2 người gần khu vực bãi rác tình nguyện đóng góp kinh phí để chúng cháu thực hiện”.
Nhìn nụ cười tươi rói của các cô bé cậu bé, chúng tôi tin rằng, với thế hệ trẻ đầy trách nhiệm và hiểu biết, luôn sống vì cộng đồng như thế, có thể tin rằng, ý thức bảo vệ môi trường sống của mỗi người dân Hà Nội sẽ được nhân lên, theo mỗi bước chân của Cánh buồm no gió...