Yên Châu là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Sơn La, cả huyện có 15 xã, thị trấn và 5 dân tộc cùng sinh sống. Những năm qua, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, từ nguồn vốn các chương trình, dự án huyện Yên Châu đã thực hiện lồng ghép có hiệu quả vào xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm, lớp học... phục vụ nhân dân.
Được biết, trong đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, huyện Yên Châu đặc biệt quan tâm tới các công trình giao thông, thủy lợi. Nhiều tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã vùng sâu, vùng xa đã được nhựa hóa, thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân. Hàng chục công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng cũng được cải tạo, nâng cấp, xây mới phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện cho biết: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Châu là đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư phần lớn các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện. Nhằm đảm bảo nguồn vốn được sử dụng hiệu quả và các chất lượng công trình nên việc đầu tư xây dựng được huyện thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chứ không dàn trải, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhất là ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa.
Nhiều công trình được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng đã phát hiệu quả cao. |
Trong quá trình thực hiện các công trình, dự án Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện tăng cường công tác giám sát, phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn, ban giám sát cộng đồng trong thi công xây dựng. Đồng thời, tổ chức nghiệm thu các phần công việc theo đúng quy định về quản lý chất lượng công trình.
Cùng với đó, thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát tại hiện trường, đôn đốc kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Các công trình, dự án hoàn thành đã được các cơ quan chuyên môn về xây dựng kiểm tra và đánh giá đáp ứng yêu cầu. Do vậy, các dự án đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả đầu tư,
Qua thống kê, trong năm 2021, huyện Yên Châu đã triển khai thực hiện 31 công trình, với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách từ các chương trình trình xây dựng nông thôn mới, 30a, 135, di dân tái định cư, ngân sách Trung ương... Hiện 11 công trình đã nghiệm thu bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, các công trình, dự án đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ: Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình thực hiện các công trình còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng như: Các công trình nằm chủ yếu ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa khó khăn, địa hình phức tạp, đồi núi, độ dốc lớn, đường giao thông chưa hoàn thiện; mưa lũ kéo dài dẫn đến sạt lở làm tắc các tuyến đường, dẫn đến khó vận chuyển vật liệu vào thi công.
Công tác kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm chất lượng. |
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hoạt động về tập trung nguyên vật liệu, tư vấn giám sát, không thể huy động đông công nhân nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch, dẫn đến các công trình thi công chậm, ảnh hưởng đến tiến độ; mặt khác giá vật liệu xây dựng tăng cao cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn; thêm nữa nhận thức của nhân dân về chính sách của Nhà nước về công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn hạn chế, do đó thường gây khó khăn trong GPMB, làm một số dự án đầu tư chậm tiến độ, chậm giải ngân các nguồn vốn.
Để nâng cao chất lượng các công trình, huyện đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, yêu cầu các nhà thầu, cán bộ nghiêm túc triển khai thực hiện, đảm bảo đúng tiến độ; kiểm tra kỹ năng lực các đơn vị thi công, kiểm soát chặt chẽ vật tư, vật liệu của nhà thầu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại hiện trường; cương quyết và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các nhà thầu thi công không chấp hành, tuân thủ và không đảm bảo về công tác quản lý chất lượng...
Việc chú trọng nâng cao chất lượng đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở Yên Châu đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo nông thôn miền núi.