Ba nhân viên y tế gồm nữ hộ sinh Lê Thị Thanh Huyền (Khoa Đẻ), nữ hộ sinh Nguyễn Thị Bích Huệ (Khoa Đẻ) và điều dưỡng Ngô Quang Huy (Khoa Phụ).
Trước đó, theo thông tin về việc 3 nhân viên y tế tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang kịp thời hiến máu cứu sản phụ sảy thai, băng huyết nặng, các y bác sỹ trong Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang đã có 7 giờ “cân não” trong phòng phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân Đỗ Ngọc A, 32 tuổi, trú tại xã Yên Sơn, huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) tự phá thai 22 tuần tuổi bằng thuốc.
Được biết trước đó, chị A được người nhà đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cấp cứu trong tình trạng da xanh, niêm mạc nhợt, đau bụng từng cơn và ra huyết âm đạo. Kíp trực đã hội chẩn và thống nhất chẩn đoán bệnh nhân A bị sốc mất máu nặng do vỡ sẹo mổ tử cung (tiền sử 3 lần mổ lấy thai), sẩy thai băng huyết và rau cài răng lược. Ngay lập tức, bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu, đồng thời báo động đỏ toàn bệnh viện để cứu bệnh nhân nguy kịch.
Lúc này, bệnh nhân A đã trong tình trạng truỵ tim mạch, rồi ngừng tim. Trong khi kíp phẫu thuật và gây mê hồi sức nỗ lực từng phút giây để cứu sống tính mạng bệnh nhân, điều khó khăn nhất là bệnh nhân bị băng huyết rất nặng cần lượng lớn nhóm máu O để truyền.
Tuy nhiên, kho máu dự trữ của Bệnh viện Sản nhi tỉnh Bắc Giang tại thời điểm cấp cứu bệnh nhân chỉ còn 5 đơn vị máu nhóm O và đã truyền cho bệnh nhân A. Trong khi đó, xe cấp cứu đi lấy máu ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chưa về kịp.
Nhận được thông tin bệnh nhân A đang lâm vào nguy kịch cần bổ sung máu truyền cấp tốc, 3 nhân viên y tế có mặt trong buổi trực đã tình nguyện hiến 4 đơn vị máu cứu tính mạng bệnh nhân đang “ngàn cân treo sợi tóc”.
Nữ hộ sinh Lê Thị Thanh Huyền, người đã tự nguyện hiến 2 đơn vị máu cứu sống bệnh nhân Đỗ Ngọc A trong lúc nguy cấp cho biết, là nhân viên y tế, chị hiểu rõ tầm quan trọng của những giọt máu cứu người. Thực tế có nhiều trường hợp bệnh nhân không còn cơ hội sống chỉ vì thiếu máu. “Không chỉ riêng tôi mà tôi tin rằng, mỗi một nhân viên y tế khi đối diện với tình trạng bệnh nhân nguy cấp đều sẵn sàng hiến máu cứu người, bởi một giọt máu cho đi là một cuộc đời ở lại”, chị Huyền chia sẻ.
Sau hơn 7 giờ căng thẳng, ca phẫu thuật thành công, bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch, cầm máu an toàn. Tổng lượng máu được truyền là 4.850 ml khối hồng cầu và 2.200 ml huyết tương.
Sau 5 ngày phẫu thuật, bệnh nhân A. được truyền thêm 700 ml khối hồng cầu. Được điều trị tích cực tại Khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức và Khoa Dịch vụ Y tế tự nguyện, bệnh nhân A. khỏe mạnh xuất viện trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình cũng như đội ngũ y bác sĩ BV Sản-Nhi Bắc Giang.