Ba tháng An cư kiết hạ truyền thống ngàn đời của Phật giáo

(PLVN) - Trong ba tháng đó, chư Tăng Ni theo truyền thống đạo Phật bước vào mùa An cư kiết hạ. Quãng thời gian này chư Tăng Ni dành trọn thời gian cho việc tu học tạm dừng công việc du hóa hoằng pháp, chú tâm trao dồi Giới – Tịnh – Tuệ. Bắt đầu từ thời đức Phật còn tại thế, trải qua hơn 2500 năm, An cư kiết hạ vẫn được duy trì bởi những lợi lạc sâu xa mà lễ này mang lại.
Lễ An cư kiết hạ bắt nguồn ngay từ khi Đức Phật còn tại thế.
Lễ An cư kiết hạ bắt nguồn ngay từ khi Đức Phật còn tại thế.

An cư kiết hạ là pháp tu hành của người xuất gia trong ba tháng hạ (bắt đầu từ ngày Đản sinh của đức Phật Thích Ca 15/4 Âm lịch cho đến ngày Lễ Vu Lan 15/7 Âm lịch). Đây là truyền thống có giá trị rất thiết yếu trong Phật giáo.

Nguồn gốc của An cư kiết hạ

An cư kiết hạ là pháp tu hành của người con Phật có truyền thống cả ngàn năm lịch sử. “An cư” được hiểu rằng, chữ “cư” nghĩa là ở; chữ “an” nghĩa là yên. Theo đó, thân thì không đi ra khỏi chùa, tâm thì chuyên cần tu học, luôn giữ được chánh niệm, không chạy theo trần cảnh bên ngoài. “An cư” là ở yên một chỗ, chuyên tâm tu tập, giữ cho thân tâm thanh tịnh.

Theo Đại tạng Kinh Việt Nam thì duyên khởi của pháp An cư kiết hạ là vào mùa Hạ. Vào tháng tư âm lịch là đầu mùa mưa ở Việt Nam, ở Ấn Độ tháng này mưa nhiều. Hồi xưa thời đức Phật còn tại thế, bình thường chư Tăng Ni đi giáo hóa nơi này nơi nọ, ít ở một chỗ cùng nương nhờ chư Thượng tọa, Đại đức có giới hạnh cao thâm nhắc nhở chỉ dạy tu hành.

Từ thời Phật còn tại thế, hàng năm Tăng đoàn đều an cư vào mùa mưa với nhiều lý do như, khó thực hiện công việc du hóa hoằng pháp trong mùa mưa khiến đường sá khó đi; nhiều loài côn trừng, bò sát sinh sôi nảy nở…

Đức Phật vì lòng từ bi thương tưởng đến các loài côn trùng, các sinh vật nhỏ bé sinh trưởng trong mùa mưa nên không đành đi lại để tránh giẫm đạp gây hại cho chúng và tránh những chỉ trích và đàm tiếu của ngoại đạo. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với Đức Phật và chư Tăng Ni vẫn là mục đích thúc liễm thân tâm, trau dồi tam vô lậu học Giới -Định - Tuệ, tấn tu đạo nghiệp.

Đến kỳ an cư, chư Tăng Ni từ khắp nơi dừng việc du hóa, quay về một trú xứ mà ngày nay gọi là “Tịnh nghiệp đạo tràng” hay ‘Đạo tràng an cư kiết hạ”, đó là một ngôi tùng lâm, già-lam, tịnh xá, tu viện để tu học.

Trong thời gian an cư, chư Tăng Ni không đi khất thực, các cận sự nam, cận sự nữ là hàng Phật tử tại gia dâng y phục, thuốc men (nếu có vị Tỳ-kheo bị bệnh) và sớt bát cúng dường thức ăn mỗi ngày. Hàng Phật tử chăm lo việc tứ sự, chăm lo những nhu cầu thiết yếu như cơm nước; y phục; chỗ ngồi, giường nằm; thuốc men trị bệnh… để tạo mọi điều kiện thuận tiện cho chư Tăng Ni an tâm tu học.

Lễ An cư kiết hạ tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội ngày 14/6/2020.
 Lễ An cư kiết hạ tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội ngày 14/6/2020.

Hàng ngày chư Tăng Ni dành tất cả thời gian cho việc nghe pháp, hỏi pháp, trì kinh và tu tập thiền định. Chư Tăng Ni sống trong khuôn khổ của Pháp và Luật, sống trong tinh thần hòa hợp thanh tịnh dưới sự quan tâm, dẫn dắt của Đức Phật và các vị Trưởng lão đã chứng đạo quả hoặc có nhiều kinh nghiệm trong tu học. 

Mùa an cư tích lũy trí tuệ và công đức

An cư kiết hạ cũng là hoạt động củng cố và duy trì nguồn nội lực sau những ngày tháng dấn thân phụng sự đạo pháp, phụng sự chúng sinh. Trong những tháng ngày cấm túc an cư, chư Tăng Ni chẳng những được bồi dưỡng, phát triển trình độ tu học Phật pháp, tăng trưởng công đức, giới hạnh, đạo lực, mà còn có dịp thực hành đời sống tập thể theo tinh thần lục hòa. Các Tăng Ni có cơ hội trao đổi sẻ chia những kiến giải, kinh nghiệm tu hành, đồng thời thể hiện tình huynh đệ, tinh thần hòa hợp như nước với sữa.

Theo đó, mùa an cư có hai ý nghĩa: thể hiện lòng từ bi không nỡ làm tổn hại chúng sinh, đồng thời tập trung việc hướng dẫn dạy dỗ tu học cho Tăng Ni. Nhờ các vị đạo cao đức trọng chỉ dạy trong ba tháng ròng rã, chư Tăng, chư Ni tu hành được tinh tấn và kết quả tốt.

Truyền thống an cư được chư Tăng Ni đạo Phật gìn giữ cho đến ngày nay để làm nòng cốt cho sự tu học và duy trì nội lực Chánh pháp. Đây cũng là một hoạt động mang tính đặc trưng của đạo Phật. Trên thế giới, một số tôn giáo, giáo phái khác từ xa xưa và hiện nay cũng có thời điểm “bế quan”, “cấm túc” để tịnh tu trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, về hình thức và nội dung của hoạt động đó không mang ý nghĩa đặc thù như An cư kiết hạ của người tu Phật.

Chư Tăng Ni sống trong khuôn khổ của Pháp và Luật, sống trong tinh thần hòa hợp thanh tịnh dưới sự quan tâm, dẫn dắt của Đức Phật và các vị Trưởng lão đã chứng đạo quả hoặc có nhiều kinh nghiệm trong tu học. Sau mỗi mùa An cư đều có vị chứng đắc các Thánh quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm hoặc A-la-hán. Việc an cư tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự tiến bộ trong tu học và giúp người tu dễ dàng thành tựu đạo quả, đăng cao Thánh vị.

Theo Thiền sư Thích Thanh Từ, mùa an cư là mùa chư Tăng, chư Ni cố gắng tu hành để tiến lên những quả vị hay những công hạnh mà trước kia chưa tiến được. Đó là điểm chính yếu mà tất cả Tăng Ni ngày nay phải nhớ.

“Mỗi năm Tăng Ni cố gắng tu trong ba tháng an cư thật tinh tấn, luôn luôn tỉnh giác, nhờ công đức đó mà trí tuệ tăng trưởng. Nếu mỗi năm trí tuệ mỗi tăng thì con đường đi đến quả vị Bồ-đề càng gần. Tôi nghĩ rằng qua một mùa an cư, tất cả Tăng Ni vui mừng vì sắp được gần cội Bồ-đề của đức Phật. Thế thì được một tuổi đạo là điều đáng mừng, đáng vui và đáng khích lệ. 

Mùa an cư là mùa chư Tăng, chư Ni cố gắng tu hành để tiến lên những quả vị hay những công hạnh mà trước kia chưa tiến được.
 Mùa an cư là mùa chư Tăng, chư Ni cố gắng tu hành để tiến lên những quả vị hay những công hạnh mà trước kia chưa tiến được.

Được một tuổi đời thì đáng lo, đáng sợ vì sắp chết. Cho nên tuổi đạo rất quý, người đệ tử xuất gia theo Phật, ai ai cũng cố gắng thực hiện cho xứng đáng một tuổi đạo. Đừng để qua một mùa an cư, tính thêm một tuổi đạo mà chỉ có trên con số, trên hình thức, không có trên đức hạnh. Đó là điều đáng buồn”, Thiền sư Thích Thanh Từ giảng đạo. 

Thời Phật còn tại thế, dù Tăng đoàn được sự dẫn dắt trực tiếp của Đức Phật và các vị Thánh tăng Đại đệ tử, song chư Tăng Ni thời bấy giờ vẫn không xem nhẹ tác dụng, ý nghĩa, giá trị của việc an cư cấm túc hàng năm. Việc khép mình trong nền nếp Pháp và Luật, chuyên tu Giới-Định-Tuệ luôn được họ xem trọng và coi đây là quãng thời gian tu hành quý báu. 

Bởi giá trị của sự tu tập, trau dồi giới đức, phạm hạnh và tăng trưởng đạo lực, thể nghiệm chân lý thật khó có thể nghĩ bàn. Ngay cả Đức Phật và các vị Thánh đệ tử, những bậc đã chứng đạo, thành tựu mục tiêu rốt ráo là giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn, luôn luôn an trú trong chánh niệm, thiền định và sống bằng tuệ giác.

Các Ngài vẫn thường quan tâm đến nền nếp đạo đức và làm tấm gương nghiêm trì giới pháp, luật nghi, tinh tấn thực hành đạo đức, phạm hạnh cho hàng Phật tử noi theo. Các Ngài luôn làm nơi nương tựa cho quần chúng, dùng thân giáo, khẩu giáo để phát huy tinh thần hoằng pháp, lợi lạc chúng sinh.

Noi theo đường hướng mà Đức Phật đã vạch ra, trên tinh thần “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh”, chư Tăng Ni ngày nay tinh tấn tu hành trong mùa An cư kiết hạ để vun bồi công đức, phước báo, trí tuệ, nhằm thành tựu đạo quả giải thoát hầu làm nơi nương tựa cho đời, nâng cao năng lực hoằng hóa, rộng mở con đường lợi sinh.

Ngoài ra, theo ngài Huyền Trang (Tây Vực ký) và ngài Pháp Hiển (Nam Hải Ký Quy Nội Pháp Truyện) thì ngày kiết hạ là mồng Một (trăng tròn) của tháng Asàlha tương đương với ngày 16/05 theo lịch Trung Quốc.

Nhưng ngày an cư theo truyền thống Bắc Tông là ngày 16/04 Âm lịch có thể do ảnh hưởng kinh Vu Lan. Theo kinh này ngày Rằm tháng 7 là ngày Tự Tứ, do vậy phải kiết hạ vào ngày 16/04. 

Còn theo truyền thống Phật giáo Nam Tông xác định ngày mùng Một (trăng tròn) của tháng Asàlha chính là ngày 16/06 Âm lịch. Do đó Phật giáo Nam tông tổ chức an cư vào ngày 16/06 và kết thúc vào ngày 16/09 Âm lịch. Sự sai khác về thời gian trong hai truyền thống này là do có sự sai khác về điều kiện thời tiết khí hậu của từng nơi. 

Đọc thêm