Bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật trước vấn nạn xâm hại tình dục

(PLVN) - Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, trong đó có khoảng 4 triệu phụ nữ khuyết tật (PNKT). Nghiên cứu thực tế của Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng tại huyện Ba Vì, Hà Nội và quận Thanh Khê, Đà Nẵng cho thấy, cứ 10 PNKT thì có 4 người đã từng bị ít nhất một hình thức bạo lực tình dục. 
Ảnh minh họa.

Còn theo Tổ chức Dân số của Liên Hợp quốc thì NKT có nguy cơ bị bạo lực, bạo lực tình dục lớn hơn gấp 3 lần người khác. Đối mặt với nguy cơ bị xâm hại từ cả người lạ lẫn người thân – đó là thực trạng mà nhiều PNKT đang phải gánh chịu.

Từ thực trạng này cho thấy việc hình thành một mạng lưới để nhằm hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật là cần thiết. Cách đây một năm, tháng 6/2019, Mạng lưới hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật đầu tiên đã được thành lập tại quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng và đây cũng là mô hình tiên phong trên cả nước nhằm mục tiêu cùng cộng đồng chung tay trong phòng ngừa, ứng phó bạo lực tình dục, vì một môi trường bình đẳng, an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật.

Từ sự thành công của mạng lưới này, ngày 3/6/2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức hội thảo bàn về kế hoạch hoạt động tăng cường năng lực cho mạng lưới nhằm hỗ trợ, phòng ngừa bạo lực tình dục với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Được biết, kế hoạch hoạt động này sẽ được triển khai với các mạng lưới đã và sẽ hình thành trên cả nước.

Cũng tại hội thảo, các tổ chức của người khuyết tật, các trung tâm công tác xã hội, trợ giúp pháp lý… đã cùng nhau gửi đề xuất tới Quốc hội, Chính phủ nhằm sửa đổi chính sách, lồng ghép giới vào các văn bản pháp luật nhằm phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật. Đáng chú ý, một trong những nội dung đề xuất đã xoáy sâu vào việc chưa có quy trình giám định pháp y đặc biệt đối với các vụ án xâm hại tình dục đối với người khuyết tật nhằm đảm bảo tính nhanh chóng, chính xác. 

Đọc thêm