Bước chuyển mạnh mẽ trong giáo dục đào tạo đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái

(PLVN) - Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Yên Bái đã có bước chuyển tích cực, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt, vượt lên những điều kiện khó khăn của một tỉnh miền núi nghèo, đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Đổi mới, phát triển giáo giáo dục dân tộc thiểu số, miền núi

Những năm qua, Yên Bái đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với các trường học triển khai hiệu quả mục tiêu Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, tạo chuyển biến căn bản về chất lượng, hiệu quả giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Túc Đán trong giờ học tiếng Anh.

Năm học 2023-2024, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và Trung học cơ sở Túc Đán (huyện Trạm Tấu) có 30 lớp học với gần 1.000 học sinh ở 2 cấp học; 100% học sinh bán trú, trong đó có hơn 900 em ăn 3 bữa/ngày tại trường.

Đến nay, bữa ăn trưa của các em đã có đủ 4 món: mặn, xào, canh, cơm đảm bảo đủ chất, giúp trẻ ngon miệng. Cùng với chăm lo phát triển thể chất, các em học sinh được học đủ 2 buổi/ngày.

Nếu như năm học trước nhà trường còn thiếu giáo viên tiếng Anh phải nhờ sự hỗ trợ của giáo viên biệt phái thì từ năm học này, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Túc Đán đã được bố trí giáo viên tiếng Anh. Vì vậy, học sinh từ khối lớp 3 trở lên đã được học tiếng Anh đảm bảo theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhờ các chính sách hỗ trợ, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục của nhà trường từng bước được nâng lên. Tỷ lệ huy động và duy trì học sinh đến lớp đạt 100%. Năm học 2021 - 2022, tỉ lệ học sinh khá, giỏi đạt 27,6%; năm học 2022 - 2023 đạt 32,02% (tăng 4,42% so với năm học trước).

Bữa ăn trưa của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Túc Đán có đủ 4 món: mặn, xào, canh, cơm, giúp trẻ ngon miệng.

Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều chính sách rất thiết thực thúc đẩy phát triển giáo dục dân tộc như: Hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh trường PTDTBT học 2 buổi/ngày mà không được hưởng chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ của Chính phủ.

Hỗ trợ kinh phí thuê nhân viên nấu ăn ngoài số kinh phí được Trung ương hỗ trợ để phục vụ thuê khoán lao động nấu ăn cho học sinh bán trú; Hỗ trợ kinh phí cho học sinh của 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải không được hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP mỗi em 200.000 đồng/tháng;

Hỗ trợ tiền ăn và gạo, kinh phí nấu ăn cho học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, mồ côi cả cha và mẹ, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa ở tập trung cả tuần tại trường thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn sau năm học xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới…

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái còn có chính sách chuyển vùng cho giáo viên theo nguyện vọng từ vùng khó về vùng thuận lợi. Đây là chính sách rất nhân văn khi mà toàn tỉnh có gần 6.000 cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chiếm 45,7% số giáo viên trong toàn ngành giáo dục…

Ưu tiên đầu tư phát triển toàn diện giáo dục dân tộc thiểu số

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, Yên Bái là tỉnh miền núi nghèo có đông đồng bào dân tộc, học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng chính quyền và các ban ngành của tỉnh đã rất quan tâm đến phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi. Trong đó, việc phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi được đặc biệt quan tâm, ưu tiên hàng đầu.

Giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường cao… Từ đó, cơ bản rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, vùng miền, đô thị và nông thôn.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Yên Bái đã bố trí kinh phí 1.543 tỷ đồng, đã giải ngân được 1.021 tỷ đồng (đạt 66,2%) và hiện đang triển khai rất hiệu quả các đề án, chính sách về phát giáo dục đào tạo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhờ đó, hệ thống cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư hiệu quả. Đến nay, Yên Bái có 8 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, hơn 40 trường Phổ thông Dân tộc bán trú, hơn 30 trường có học sinh bán trú. Học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường nội trú, bán trú đạt 40,7%.

Đặc biệt khối phòng ở bán trú, nội trú và nhà ở công vụ của giáo viên đã được chú trọng xây dựng, tạo điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu giúp các cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, nhất là ở vùng khó khăn.

Ngoài việc quan tâm hỗ trợ các chính sách, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị, tỉnh Yên Bái cũng luôn quan tâm chỉ đạo ngành giáo dục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh người dân tộc thiểu số như: thực hiện tốt công tác tăng cường tiếng Việt; bố trí đội ngũ, cơ sở vật chất để thực hiện công tác dạy học 2 buổi/ngày tại các trường PTDTBT; chỉ đạo Sở GD&ĐT ban hành Quyết định quy định các nội dung giáo dục đặc thù, hướng dẫn xây dựng hệ thống hồ sơ quản lý các nội dung giáo đặc đặc thù trong trường PTDTNT, PTDTBT (trên toàn quốc chỉ có tỉnh Yên Bái và một số tỉnh ban hành Quyết định quy định về nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù)...

Với sự quan tâm, sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, đến nay chất lượng giáo dục của các trường vùng đồng bào DTTS từng bước được nâng lên. Tỷ lệ học sinh trường PTDTBT được xếp loại hoàn thành môn Tiếng Việt, môn Toán đạt hơn 99%. Mô hình trường PTDTBT đã khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học, học sinh đi học không chuyên cần. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tăng đều qua các năm...

Đặc biệt, điểm nhấn trong công tác giáo dục dân tộc trong những năm gần đây của tỉnh Yên Bái là công tác giáo dục kỹ năng sống, công tác giáo dục văn hóa dân tộc và thực hiện phong trào thương thân tương ái. Toàn tỉnh, có hơn 30 trường PTDTNT, PTDTBT phối hợp với các đơn vị công an bộ đội hướng dẫn học sinh nếp sống nội vụ; các trường đều tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, vừa rèn kỹ năng lao động vừa cải thiện đời sống.

Nhiều trường đã tích hợp giáo dục văn hóa dân tộc thông qua các môn học và các hoạt động ngoài giờ chính khóa… Qua đó, giúp học sinh có hiểu biết và biết trân trọng, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc của dân tộc mình, với một số mô hình tiêu biểu là: mô hình trường học nông trại, trường học du lịch, trường học hạnh phúc...

Phát huy tinh thần tương thân tương ái, tỉnh đã chỉ đạo phát động phong trào Phòng kết nghĩa với Phòng, Trường kết nghĩa với Trường; lớp lớn kết nghĩa với lớp nhỏ; thầy cô nhận đỡ đầu học sinh. Từ năm học 2015-2016 đến nay, đã huy động được trên 1.000 lượt tập thể, cá nhân nhận giúp đỡ các trường PTDTBT, trường có học sinh bán trú để xây dựng phòng học, phòng ở, trang bị phục vụ học tập và trong sinh hoạt hằng ngày.

Sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng miền núi, dân tộc thiểu số ở Yên Bái đã có những bước phát triển mạnh mẽ vượt lên những điều kiện khó khăn của một tỉnh nghèo. Đạt được “trái ngọt” này là nhờ những chính sách ưu tiên cho giáo dục vùng khó của Đảng, Nhà nước và phần đóng góp không nhỏ từ những chính sách nhân văn của tỉnh Yên Bái đã ban hành.

Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao về chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo, chắc chắn trong thời gian tới lĩnh vực giáo dục dân tộc của tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục khởi sắc mạnh mẽ.

Đọc thêm