Cố tình vi phạm, tắt thiết bị VMS thì xử lý nghiêm theo quy định
Theo đó, từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, cùng với các tỉnh, thành phố có biển trên cả nước, tỉnh Cà Mau đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống khai thác IUU. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tàu cá trước khi xuất, nhập bến và khi hoạt động trên biển; bắt buộc tàu cá đăng ký, đăng kiểm, đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác... Kiên quyết không cấp đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho tàu cá xuất bến đi khai thác khi chưa lắp đặt thiết bị VMS. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân hiểu, chấp hành việc lắp đặt thiết bị VMS, xử lý nghiêm những tàu cá cố tình ngắt kết nối thiết bị VMS, vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài.
|
Cà Mau đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. |
Ông Trần Hoàng Lạc, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau), cho biết, qua rà soát, trên địa bàn huyện có 09 tàu cá mất tín hiệu liên lạc thiết bị VMS. Huyện chỉ đạo cho các ngành chức năng phối hợp với các Đồn Biên phòng để kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân mất tín hiệu liên lạc thiết bị VMS. Đối với những trường hợp bị lỗi do thiết bị thì yêu cầu nhà mạng sửa chữa. Riêng, đối với những trường hợp cố tình vi phạm, tắt thiết bị VMS thì có hình thức xử lý nghiêm theo quy định.
Tính đến thời điểm hiện tại, số tàu cá trên địa bàn tỉnh có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS là 66/66 chiếc (đạt 100%); có 1.530/1.536 tàu cá có chiều dài trên 15mét trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt gần 100%. Ngoài ra còn có 04 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15 mét tự nguyện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá do chủ tàu đã nhận thấy được những lợi ích từ việc lắp đặt thiết bị VMS mang lại. Những tháng đầu năm 2022, tỉnh Cà Mau không có phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Theo đánh giá của ngành chức năng, mặc dù đã lắp đặt thiết bị VMS nhưng vẫn còn tình trạng phương tiện bị mất kết nối. Nguyên nhân mất kết nối chủ yếu do chất lượng thiết bị (thiết bị hư hỏng hoặc lỗi kỹ thuật, tín hiệu vệ tinh hoạt động không ổn định); do các chủ phương tiện chưa biết hết các ứng dụng của thiết bị hoặc chủ phương tiện cố tình vi phạm). Đối với trường hợp tàu cá bị mất tín hiệu kết nối do nguyên nhân chủ quan của chủ tàu (không đóng phí, vô hiệu hóa thiết bị VMS…) thì ngành chức năng đã có văn bản nhắc nhở buộc chủ tàu cam kết thực hiện mở thiết bị VMS 24/24 theo quy định.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Văn Thức, cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung rà soát, triển khai quyết liệt các biện pháp để khắc phục các tồn tại, hạn chế về chống khai thác thủy sản trái phép theo quy định IUU. Tăng cường công tác quản lý đội tàu khai thác, trong đó, việc đăng ký, đăng kiểm thực hiện chặt chẽ đúng quy định hiện hành. Xử lý quyết liệt các vi phạm, nhất là, xử lý nghiêm tình trạng cố tình để mất kết nối thiết bị VMS; vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đặc biệt là địa phương ven biển kiểm tra, kiểm soát tại các cửa biển, khu vực neo đậu để kiểm soát tàu cá, tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin đến người dân về các quy định về chống khai thác IUU. Qua đó, góp phần chung tay cùng cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC).
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) ra cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam do vi phạm quy định IUU. Trong đó, có nguyên nhân là do nhiều tàu cá Việt Nam khai thác ngoài khơi không có thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), một số tàu có hành vi khai thác trái phép thủy sản ở vùng biển nước ngoài. Nếu Việt Nam không nỗ lực khắc phục hạn chế, sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” của EC kéo theo rất nhiều hệ lụy. Trường hợp bị áp “thẻ đỏ” đồng nghĩa với việc hải sản khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm cửa vào thị trường EU, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của nhiều người dân vùng biển.