Cần làm rõ những “lình xình” tại dự án xây dựng trường THCS Dịch Vọng Hậu

(PLO) -Chủ đầu tư quyết định “thay ngựa giữa dòng” khi cho một nhà thầu khác vào công trình trong khi vẫn chưa thanh lý, quyết toán với nhà thầu cũ dẫn tới tình trạng một công trình hai nhà thầu….
 Cần làm rõ những “lình xình” tại dự án xây dựng trường THCS Dịch Vọng Hậu
Khởi công từ cách đây hơn 3 năm nhưng tới nay, dự án trường THCS Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) mới chỉ hoàn thành được vài hạng mục do Chủ đầu tư là Ban QLDA quận Cầu Giấy không bàn giao được mặt bằng sạch cho nhà thầu.
Chủ đầu tư nợ nhà thầu cả mặt bằng lẫn tiền.
Ngày 11-8-2010, Ban QLDA quận Cầu Giấy ký Hợp đồng số 188/2010/HĐKT với Liên danh Nhà thầu: Công ty CP phát triển kỹ thuật Xây dựng và Công ty CP Đầu tư xây dựng & phát triển Nam Việt thực hiện gói thầu số 3 (thi công xây dựng hạng mục nhà lớp học, nhà hiệu bộ, nhà đa năng, sân vườn, tường rào, nhà thường trực, cấp nước, thoát nước, điện chiếu sáng trong và ngoài nhà) thuộc dự án Trường THCS Dịch Vọng hậu.  
Theo hợp đồng thì thời gian thực hiện việc xây dựng là 195 ngày. Nhưng do không bàn giao được mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công nên ngày 11-5-2012, Ban QLDA quận Cầu Giấy đã phải ký tiếp phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến ngày 26-12-2012. Tuy nhiên, đến ngày 31-3-2013, chủ đầu tư mới bàn giao được mặt bằng của 4 tòa nhà cho đơn vị thi công, nhưng vẫn còn một diện tích đất khoảng 30m2 chưa GPMB.
Tới thời điểm này nhà thầu đã thi công xong khối lượng lớn, gồm: toàn bộ cọc bê tông cốt thép (BTCT) của cả 4 khối nhà;  toàn bộ móng, cột bê tông cốt thép tầng 1 khối nhà B; toàn bộ hệ thống cống hộp thoát nước;  đào, xúc, vận chuyển đất phế thải (đây là khối lượng bổ sung không có trong gói thầu)…
Dù chậm bàn giao mặt bằng nhưng chủ đầu tư lại ép nhà thầu phải hoàn thành công trình và bàn giao vào ngày 20/10/2013.    Vì vậy, ngày 15-7-2013, trong công văn gửi Ban QLDA quận Cầu Giấy, bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó TGĐ Công ty CP Phát triển kỹ thuật xây dựng, đại diện cho liên danh nhà thầu, khẳng định nếu chủ đầu tư chỉ gia hạn hợp đồng đến 20-10-2013 thì nhà thầu xin chấm dứt hợp đồng.
Ngay sau đó, chủ đầu tư đồng ý chấm dứt hợp đồng và yêu cầu nhà thầu cùng Ban QLDA làm thủ tục quyết toán khối lượng đã thực hiện; hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng trước ngày 20-8-2013 để chủ đầu tư điều chỉnh giá phần khối lượng nhà thầu đã thực hiện…
Theo bà Hà, cuối tháng 8-2013, nhà thầu đã nộp toàn bộ hồ sơ chất lượng đã được nghiệm thu cho Ban QLDA quận Cầu Giấy. Theo đó, khối lượng đã thi công có giá trị khoảng 9 tỷ đồng.
Trong khi nhà thầu cũ chưa được quyết toán và thanh lý hợp đồng thì nhà thầu mới đã cho máy vào san ủi dẫn tới tranh chấp
Trong khi nhà thầu cũ chưa được quyết toán và thanh lý hợp đồng thì nhà thầu mới đã cho máy vào san ủi dẫn tới tranh chấp
Sẽ không có gì đáng nói nếu như mọi việc được thực hiện. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, nhà thầu vẫn chưa nhận được đồng nào, hợp đồng cũng chưa thanh lý thì chủ đầu tư lại có văn bản yêu cầu nhà thầu di chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị, vật dụng khác ra khỏi công trường, bàn giao lại mặt bằng cho Ban QLDA…
Theo bà Hà, thực tế liên danh nhà thầu đã 3 lần làm phụ lục xin gia hạn hợp đồng để đủ điều kiện thực hiện nhưng Ban QLDA chỉ ký và trả lại cho nhà thầu một lần phụ lục xin gia hạn hợp đòng và kết thúc tại thời điểm 26-12-2012. Vì vậy, liên danh nhà thầu đã đề nghị Ban QLDA hoàn chỉnh ký phụ lục hợp đồng gia hạn những thời điểm dừng thi công với lý do Ban QLDA chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu, sau đó hai bên mới bàn bạc việc ký phụ lục gia hạn hợp đồng tiếp. Do chưa hoàn tất việc nghiệm thu xác nhận khối lượng hoản thành, giá trị quyết toán và thanh toán nên nhà thầu khẳng định sẽ không di chuyển thiết bị, máy móc ra khổi công trường.
Tuy nhiên, chiều ngày 13/12/2013, tại hiện trường công trình Trường THCS Dịch Vọng hậu bất ngờ có một đơn vị đem máy xúc, vật tư, công nhân vào công trường san ủi mặt bằng trên vị trí móng cọc khối nhà C, D, đào múc cả vào đầu cọc BTCT gây ảnh hưởng đến chất lượng cọc BTCT đã ép. Những người này cho biết họ đã trúng thầu dự án này và việc đưa máy móc vào là theo quyết định của ông Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy và Giám đốc Ban QLDA quận Cầu Giấy.
Làm việc với phóng viên, đại diện liên danh nhà thầu cho biết ngoài các hạng mục đã thi công trong hợp đồng thì hiện chủ đầu tư vẫn chưa phê duyệt hạng mục phát sinh là đào. Vận chuyển đất, rác thải trị giá tới 1,8 tỷ đồng đã hoàn tất từ đầu năm 2012.
Theo đại diện liên danh nhà thầu, ngày 29/8/2011, Phòng Tài chính Kế hoạch, Phòng Quản lý Đô thị, UBND phường Dịch Vọng Hậu, Lãnh đạo Ban QLDA quận Cầu Giấy, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Đại Việt cùng Liên danh nhà thầu có mặt tại hiện trường để kiểm tra xác định khối lượng công việc phát sinh (ngoài hợp đồng) gồm đào xúc, vận chuyển đất phế thải làm cơ sở để Ban QLDA quận Cầu Giấy trình phê duyệt dự toán. Tháng 2/2012, nhà thầu đã tổ chức thi công đào xúc vận chuyển hết khối lượng đất phế thải trên mặt bằng triển khai dự án xây dựng Trường THCS Dịch Vọng hậu theo đúng hồ sơ bản vẽ đo đạc của Công ty CP Tư vấn Đầu tư và XD Đại Việt. Khối lượng thi công thực tế tại hiện trường do Liên danh nhà thầu lập với giá trị là: 1.828.511.000đ.
“Chúng tôi đã gửi Ban QLDA quận Cầu Giấy nhiều lần, gần đây nhất là biên bản làm việc bàn giao hồ sơ cho ông Nguyễn Mạnh Tài, chuyên viên Ban QLDA quận Cầu Giấy vào ngày 4/6/2013 nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn bị Ban QLDA quận Cầu Giấy phớt lờ không thanh toán cho Liên danh nhà thầu. Hiện nay việc thi công trên công trình Trường THCS Dịch Vọng Hậu  đã do nhà thầu khác đảm nhận trong khi BQL Dự án chưa quyết toán thanh lý với đại diện Liên danh nhà thầu là vi phạm nghiêm trọng Luật đấu thầu, Luật xây dựng vì vậy không có lý do gì để BQL Dự án quận Cầu Giấy cố tình chây ỳ, trì hoãn không thanh toán cho nhà thầu các khối lượng đào xúc vận chuyển”.

Nghi án “nhân bản” kết quả thí nghiệm?

Cũng liên quan tới dự án này, mới đây, ông Lê Hồng Thanh - Kỹ sư xây dựng - Chủ nhiệm Công trình, đã làm đơn tố giác những sai phạm, khuất tất trong việc thí nghiệm nén tĩnh dọc trục cọc BTCT: 250 x 250mm các khối nhà A, B, C, D.
Theo ông Thanh, hồ sơ thiết kế được duyệt do Công ty CP Tư vấn thiết kế Xây dựng 18.1 thiết kế, số lượng cọc thí nghiệm BTCT 250 x 250mm là 8 cọc được chia đều cho 4 khối nhà A, B, C, D.    Nhưng hầu hết quá trình thí nghiệm cọc tại hiện trường không có sự giám sát của cán bộ Ban QLDA quận Cầu Giấy và đơn vị Tư vấn giám sát.
Đơn vị thí nghiệm chỉ làm thí nghiệm: 6/8 cọc (riêng 2 khối nhà C, D có 2 cọc không thực hiện công tác thí nghiệm nhưng vẫn thể hiện trong báo cáo). Hiện tại 2 khối nhà C, D Liên danh Nhà thầu mới chỉ ép cọc, hiện đang dừng không thi công các công việc tiếp theo. Chúng tôi khẳng định việc không thực hiện thí nghiệm 2 cọc ở nhà C, D nhưng vẫn thể hiện trong báo cáo kết quả thí nghiệm”.
Câu hỏi đặt ra là có hay không việc thí nghiệm 6 cọc nhưng thanh toán cả 8 cọc bằng hình thức nhân bản kết quả thí nghiệm? Đã đến lúc các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội và quận Cầu Giấy cần sớm vào cuộc làm rõ.

Đọc thêm