Đường dây buôn bán phụ nữ kể trên bị cảnh sát Brazil phá, nhờ sự giúp đỡ và hợp tác của cảnh sát châu Âu.
Nỗ lực quốc tế
Trong tuyên bố của mình, cảnh sát Brazil cho biết, họ đã phá vỡ một mạng lưới buôn người quốc tế tại Fortaleza, thủ phủ bang Ceara và việc này nằm trong Chiến dịch Marguerita. Và những nghi can làm việc trong đường dây này đã dụ dỗ và vận chuyển phụ nữ trái phép tới Slovenia và Italia, sau đó ép họ tham gia đường dây mại dâm.
Tham gia Chiến dịch Marguerita có sự góp sức của 92 cảnh sát Brazil, cùng lực lượng cảnh sát của Slovenia và Italia. Và qua điều tra, các nạn nhân đến từ nhiều bang của Brazil như Bahia, Minas Gerais và Sao Paulo.
Dư luận và giới chuyên môn quan tâm tới việc nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Áo triển khai lực lượng tới Serbia để chặn dòng người nhập cư vào châu Âu, sau khi một số người di cư tố cáo cảnh sát Bulgaria đã tiếp tay cho bọn buôn người.
Theo tố cáo của người nhập cư, cảnh sát Bulgaria trở thành tay trong cho bọn buôn người để đưa họ vượt biên giới Bulgaria tới Serbia bởi nước này không thuộc khối Schengen, nên không được hưởng quy chế tự do đi lại. Giới truyền thông cho biết, sau khi cảnh sát Serbia sử dụng thiết bị ảnh nhiệt (phát hiện được nhiệt độ cơ thể người từ khoảng cách 10km), nhiều vụ buôn lậu người đã bị phát hiện.
|
Cục trưởng Cục Nhập cư Malaysia Mustafar Ali |
Thách thức còn lớn
Gần 5 tháng trước (12-10-2016), đại diện Cơ quan điều tra Hungary, ông Zoltan Boross cho biết, cảnh sát đã hoàn tất công tác điều tra đối với 8 nghi can liên quan tới cái chết của 71 người di cư (bị chết trong một chiếc xe tải tại Áo hồi tháng 8-2015) và chuyển hồ sơ sang cơ quan công tố. Theo ông Zoltan Boross, trong số 8 nghi can có 7 người mang quốc tịch Bulgaria, tên còn lại là kẻ cầm đầu mang quốc tịch Afghanistan.
Từ tháng 2-2015 đến khi bị bắt hồi hạ tuần tháng 8-2015, chúng đã thực hiện trót lọt 25 vụ, đưa hơn 1.000 người di cư tới châu Âu. Thủ đoạn của chúng là gom người di cư tại Serbia, sau đó đưa họ đến biên giới Hungary. Và từ Hungary, chúng đưa người di cư lên xe tải và chở họ tới Áo hoặc Đức với giá từ 1.300USD đến 6.000 USD/người.
Cảnh sát Hungary từng phối hợp với cảnh sát Slovakia triệt phá băng đảng buôn người di cư vào khu vực phía Tây châu Âu - người di cư bị nhét vào những thùng chứa nhiên liệu được thiết kế đặc biệt, và họ phải trả 500-1.000 euro để được vận chuyển qua biên giới.
Chính phủ Malaysia đã thành lập lực lượng đặc biệt chống buôn người di cư để phối hợp với Văn phòng chống Tội phạm và Ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) kể từ tháng 1-2017. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết, lực lượng này được hình thành từ các đại diện của Văn phòng Tổng chưởng lý, Cảnh sát, Nhập cư, Cơ quan chấp pháp biển, Hải quan, Hội đồng an ninh quốc gia và Cục nguồn nhân lực.
Trước đó (7-1), Cục trưởng Cục Nhập cư Malaysia Mustafar Ali cho biết, cơ quan này đã giải cứu 59 người Bangladesh là nạn nhân của hoạt động buôn bán người trong một chiến dịch tại khu vực Desa Petaling.
“Chính phủ Mỹ sẽ tập trung để chấm dứt tình trạng buôn bán người. Tôi sẽ sử dụng mọi nguồn lực ở các cấp độ để giải quyết vấn đề này. Bởi tình trạng này đang ngày một tồi tệ hơn và đang xảy ra ở Mỹ. Buôn bán người là vấn đề không chỉ ở Mỹ, mà cả quốc tế và thực sự là một thách thức", Tổng thống Donald Trump đã đưa ra cam kết này khi phát biểu tại cuộc gặp với các tổ chức đang giúp đỡ những nạn nhân của tình trạng buôn bán người ở Washington.
1 tháng trước (6-2), Cơ quan điều tra hình sự Nam Phi (Hawks) cho biết, họ đã giải cứu 72 người nước ngoài bị đưa trái phép vào Nam Phi và bị bóc lột lao động tại một nhà máy ở tỉnh KwaZulu-Natal. Những nạn nhân này bị bán từ Swaziland và Lesotho, cảnh sát Nam Phi đã bắt 5 nghi phạm có liên quan đến vụ này./.