Mỹ Linh chia sẻ về cuộc sống tự lập, khát khao khám phá và mong xây dựng những tour du lịch leo núi giá rẻ cho bạn trẻ Việt Nam.
Hẳn là nếu không có chuyện hy hữu sống sót sau bão tuyết, sẽ không có nhiều người biết đến hành trình và câu chuyện du lịch của Linh. Vì sao bạn bỏ việc và xách ba lô đi du lịch “bụi”?
Trước hết, tôi không thích đi du lịch bụi như người ta nghĩ. Nhưng tôi biết mình cần phải đi. Tôi cũng giống các cô gái Việt Nam khác thôi, sợ nắng, sợ đen da, sợ sẽ không ai cưới… Nhưng tôi sợ hơn cái cảnh, nghĩ về 20 đến 50 năm sau đó, suốt đời chẳng biết được thế giới bên ngoài rộng lớn thế nào, ở đó có gì vui không. Mà đến như lúc đấy có điều kiện đi chăng nữa thì tôi cũng già rồi, muốn đi cũng không được, chi bằng đi ngay lúc trẻ.
Thêm một lý do nữa, hồi nhỏ tôi luôn ao ước được như các bạn, du học nước ngoài để biết đó biết đây. Nhưng nhà tôi nghèo. Tôi cũng chẳng giỏi giang để được học bổng. Tôi dần từ bỏ giấc mơ du học từ đó. Ra trường, tôi đi làm và vẫn mơ về những chuyến đi.
Nếu du học không được thì du lịch đi, vừa được ngắm cảnh vừa được chơi lại vừa được học. Vì học thì đâu nhất thiết phải vào trường mới gọi là học. Thế là tôi rút hết tiền tiết kiệm, xin nghỉ việc từ tháng 5/2014. Tháng 6 tôi lên đường.
Nếu đã đi thì phải học
Khi bỏ việc đi du lịch, điều bạn muốn là gì và dự định đi những đâu trong chuỗi ngày tự do tự tại ấy?
Tôi xác định, cái được đầu tiên khi trở về là sẽ thành thạo tiếng Anh. Đó là lý do khi qua Ấn Độ, mặc dù tôi có biết bạn người Việt nhưng tôi không sống cùng họ. Tôi thuê nhà, sống với một cô gái người Indonesia và sau đó là một cô gái người Ấn. Tôi cũng đăng ký đi học một lớp ngữ pháp tiếng Anh tại học viện dành cho các sinh viên quốc tế ở Ấn Độ và trở thành sinh viên xuất sắc ở đây.
Vì tất cả chi phí tôi chi trả cho việc học, nên để có thể sống được 3 tháng ở Ấn Độ, mỗi ngày tôi chỉ ăn 3 quả trứng với 1 túi bánh mì sandwich. Tôi sống thế cho đến khi hết visa thì tôi sang Nepal.
Với tôi, nếu du lịch chỉ để ngắm cảnh hoặc thưởng ngoạn thì ở Việt Nam là đủ. Nhưng nếu đã mất tiền ra nước ngoài thì phải học. Phải sống với người bản địa để biết tính cách họ, học văn hóa, cách kinh doanh... Đó là lý do sau khi hết visa ở Ấn Độ, tôi tiếp tục sang Nepal.
|
Khi bạn bỏ việc đi du lịch, gia đình, bố mẹ có biết không và họ khuyên điều gì?
Tôi quen cách sống độc lập như thế và gia đình cũng quen như thế. Nhưng khi mẹ tôi biết tôi gặp nạn vì báo đài đưa tin, bà gọi điện sang cho tôi và bảo, về đi, mẹ nhớ lắm rồi. Tôi bật khóc vì xúc động.
Điều quan trọng nhất mà bố mẹ Linh thường dạy là gì? Linh có phải tuýp thường có suy nghĩ độc lập và đấu tranh để bảo vệ suy nghĩ, hành động của mình không?
Bố tôi có cách dạy con rất hay. Năm tôi 14 tuổi, lúc tôi vừa chuyển từ Huế vào và sống 1 năm cùng gia đình, ông gọi tôi và anh hai lại rồi nói: “Nếu các con cần tiền để học, có bán đi 2 quả thận bố cũng sẵn sàng bán để các con có tiền ăn học. Nhưng chuyện học là chuyện của các con, không phải chuyện của bố, cuộc đời là cuộc đời của các con, không phải cuộc đời của bố. Nên học hay nghỉ, do con tự chọn”.
Sau câu nói đó thì tôi biết rằng, phải học, học bằng mọi cách, mọi giá. Nên dù bố mẹ tôi ở xa, tôi sống một mình không ai bảo ban, mỗi năm tôi đều biết đem về một cái bằng khen học sinh giỏi báo cáo với bố mẹ.
Người Việt rất yêu thương và đùm bọc nhau
Phải chăng cuộc sống tự lập từ nhỏ là gốc tạo nên sức mạnh giúp bạn vượt qua biết bao hiểm nguy để sống sót trong trận bão tuyết mà ít người vượt qua? Trong trận bão tuyết ấy, có bao nhiêu người đi cùng và còn được bao người trở về an toàn?
Vì tôi tự lập từ lúc nhỏ nên tôi biết cách tự chăm sóc mình khá tốt. Nhờ thế tôi có một cơ địa khỏe mạnh. Đó là lý do dù nhiều người leo núi họ không thể thích nghi với độ cao và bị nhức đầu nhưng trong suốt hành trình 10 ngày leo núi, tôi chẳng hề hấn gì dù phải mang trên mình cái ba lô nặng 8kg và đường đèo dốc nguy hiểm.
Thêm vào đó, hồi ở Ấn Độ, tôi không có tiền nên đi đâu cũng toàn đi bộ. Tôi cũng xác định sang Nepal sẽ leo núi nên mỗi ngày chăm chỉ cuốc bộ 12km để rèn luyện thể lực. Đó có thể là lý do giúp tôi sống sót trong bão tuyết. Tôi cũng chỉ ước lượng có khoảng 200 người cùng leo lên đỉnh đèo Thorung La Pass độ cao 5.416m ngày hôm đó với tôi. Cơn bão đi qua khiến ít nhất 40 người thiệt mạng và nhiều người đến nay vẫn mất tích.
Khi đối mặt với cái chết, nguy hiểm rình rập bất cứ lúc nào trong hành trình vượt bão để trở về an toàn, Linh nghĩ như thế nào về sự đoàn kết của người Việt để vừa cứu mình vừa chung sức với mọi người để cùng sống sót?
Tôi thấy người Việt rất yêu thương và đùm bọc nhau. Hôm tôi thoát nạn trở về, chị Bảo - chủ cửa hàng Sai Gon Pho ở Kathmandu liền bỏ công bỏ việc cùng chồng chạy qua thăm tôi dù chúng tôi trước đó chẳng hề quen biết nhau. Hoặc những nhóm bạn người Việt khác cũng đi leo núi nhưng may mắn không rơi vào cảnh nguy hiểm như tôi, họ cũng gặp tôi chuyện trò chia sẻ.
Trên Facebook cá nhân, những anh chị ở nước ngoài đọc báo thấy thông tin thì cũng vào hỏi han động viên tôi.
Dễ có sự liên tưởng bạn với Huyền chíp, cô gái đi phượt qua rất nhiều quốc gia vừa trở về và xuất bản sách về những chuyến đi. Bạn có ý định viết sách về hành trình của mình không? Đầu tháng 12 tới trở về nước, bạn sẽ làm gì?
Huyền chip là bạn thân của tôi, cũng là người đi cùng tôi qua Ấn Độ nhưng chúng tôi không sống cùng nhau và Huyền cũng quay về sớm để sang Mỹ học.
Tôi không thích viết sách về chỉ dẫn đi du lịch vì thực ra những thứ về du lịch trên wikitravel, Google có cả rồi.
Sau khi sống sót từ cơn bão trở về, mọi người bảo tôi nên viết cuốn hồi ký kể lại hành trình sinh tử ấy vì không phải ai cũng may mắn có cuộc đời thứ hai giống tôi.
Tôi chưa có ý định viết thì có một người chị nhắn tin trên FB bảo, cậu em chị trước hay đi đây đó, nay bị bệnh nặng nằm một chỗ thì trốn chạy cả thế gian. Nhưng sau khi đọc hành trình sống sót của tôi trên FB anh bạn này lại trở nên vui vẻ yêu đời và chị cảm ơn tôi vì đã truyền sức sống cho anh. Nên tôi đang bắt đầu viết những dòng hồi ký đầu tiên.
Có một thay đổi mới là nhờ chuyện sống sót mà tôi gặp được anh - người có cuộc đời vượt qua gấp nhiều lần cơn bão tuyết đáng được nhắc đến để truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Đó là tất cả những gì cuốn hồi ký hướng đến.
Tháng 12 về Việt Nam, tôi sẽ ra cuốn tiểu thuyết “Bên kia sườn đồi”, sau đó xin việc mới và học bổng du học.
Cảm ơn Linh!