Ký ức kinh hoàng của lao động bị "xuất khẩu" vào… trại tị nạn

(PLO) - Không tìm hiểu kỹ con đường xuất khẩu lao động mà thông qua những lời hứa của cò mồi, nhiều nông dân đã biến mình thành con nợ khi xuất ngoại “chui” và 11 lao động tại xã Nghi Hoa (Nghi Lộc, Nghệ An) là những điển hình…
Xuất ngoại để vào… trại tị nạn
Học hết cấp 2, không có bằng cấp nên xin được việc làm cũng khó khăn, ở nhà làm ruộng với bố mẹ mãi cũng không phất lên được, thấy bạn bè đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) nên Đinh Bá Hải (SN 1991, trú xã Nghi Hoa, Nghi Lộc, Nghệ An) bàn với bố mẹ vay mượn để xuất ngoại. Được bố mẹ đồng ý, gia đình vay ngân hàng, bạn bè, người thân cho Hải đi Australia làm ăn. 
Hải vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại chuyến đi biển đó
Hải vẫn chưa hết bàng hoàng
khi nhớ lại chuyến đi biển đó 
Ngồi run run dưới cái lạnh cắt da cắt thịt, hồi tưởng lại thời gian đi XKLĐ của mình mà Hải vẫn chưa hết bàng hoàng. Qua quen biết và giới thiệu của nhiều người, Hải tìm gặp ông Nguyễn Văn Thuận, trú xã Nghi Vạn, Nghi Lộc nhờ đưa đi làm tại Australia. Với lời hứa sang đó sẽ được ăn uống sung sướng, cho học tiếng, học nghề rồi sẽ bố trí việc làm thu nhập cao nên tiền “phí” phải đóng là 6.000 USD. Chạy vạy vay mượn, đóng 6.000 USD cho ông Thuận xong, Hải và gia đình chờ để sang Úc đi làm với mơ ước sẽ gửi tiền về nhà và làm kinh tế… 
Cuối tháng 2/2013, Hải và 8 người khác được ông Thuận đưa đến sân bay Vinh và giao cho một người đàn ông tên Tuân bay vào Sài Gòn. Từ Sài Gòn, cả nhóm được đưa sang Indonesia với lời giải thích: “Sẽ đi đường biển từ Indonesia sang Australia”. 
“Khi đặt chân đến Indonesia, Tuân thu hết hộ chiếu của bọn em đồng thời thu thêm mỗi người 1.000 USD. Không đồng ý với khoản tiền nằm ngoài thỏa thuận, nhưng mọi người rốt cuộc vẫn phải đóng cho Tuân số tiền 500 USD. Sau đó, Tuân giao bọn em cho 2 người nước ngoài và dẫn lên một con thuyền nhỏ, rách nát. Bọn em không chịu đi thuyền đó thì Tuân bảo đây chỉ là thuyền trung chuyển, thuyền lớn đang đợi ngoài kia” - Hải kể.
Con thuyền “trung chuyển” rách nát nên một số người không say sóng phải thay nhau múc nước ra khỏi khoang để tránh bị chìm. “Đi mãi mà không gặp bất cứ một tàu đánh cá nào, trời thì mưa gió làm cho thuyền chao đảo, tưởng chừng như sắp chìm. Hai người nước ngoài bắt chúng em nhảy xuống biển nhưng không ai chịu. Trời mưa, lạnh nhưng mọi người đều phải cới hết áo ấm để “vá” thuyền và thay nhau tát nước” - Hải kể tiếp. 
Ba ngày và hai đêm đánh đu với “hà bá” trên biển, con thuyền tấp vào một đảo hoang, khi đến bờ thì bị sóng đánh vỡ đôi. May mắn được các thổ dân cứu sống, rồi báo cho cảnh sát đến đưa cả nhóm đi. Hai người lái thuyền chạy trốn được. Không hộ chiếu, không có giấy tờ tùy thân, 10 thanh niên được “chăm sóc” ở trại tị nạn. Sau 3 tháng “xuất ngoại” trong trại tị nạn ở Indonesia, 11 lao động Nghệ An được một tổ chức quốc tế đưa về nước. 
Bỗng nhiên gánh nợ 
Gia đình nhận được tin các con đi XKLĐ không như thỏa thuận nên đã tìm gặp ông Thuận yêu cầu ông này phải đưa con em mình về nước. Tuy nhiên, ông Thuận chỉ trả lại cho mỗi gia đình 3.000 USD, số còn lại ông này cho biết là đã giao cho Tuân nên không thể trả. Trong khi đó, liên lạc qua số điện thoại Tuân cho trước khi đi thì máy báo không liên lạc được. 
 Đổi đời đâu chưa thấy, các lao động này trở thành những “con nợ” khi các khoản vay nợ chưa có tiền để trả. Ông Nguyễn Văn Trường (bố Nguyễn Văn Huế) bức xúc: “Có mấy sào ruộng, làm giỏi thì đủ ăn, mấy chục triệu vay mượn cả để đóng tiền cho thằng Huế đi XKLĐ, sổ đỏ cũng thế chấp ngân hàng để chồng cho đủ tiền. Cứ trông chờ thằng Huế đi kiếm được tiền trả nợ và có thêm thu nhập… nào ngờ!”. 
Huế quyết định đi Úc khi người vợ mới mang thai, trở về vật vờ vì bị nhốt trong trại tị nạn, không có tiền còn nợ ngập đầu, Huế đành bắt xe vào Sài Gòn phụ hồ, đến khi vợ sinh cũng không dám về thăm vì không có tiền. Nợ chồng nợ, anh quyết định vay mượn một lần nữa để sang Thái Lan làm thuê.
Trong chuyến đi này có một cô gái cũng suýt bỏ mạng trên biển. Trần Thị Thái (SN 1994) tốt nghiệp lớp 12, không có việc làm nên gia đình cũng vay mượn nộp tiền cho ông Thuận để đưa sang nước ngoài làm việc. “Lúc trên biển em nghĩ là mình không còn được về nhà nữa ấy. Thôi ở nhà với bố mẹ chứ em không dám “xuất ngoại” nữa mô…” - Thái tâm sự. 
Đã có nhiều người vỡ mộng khi đi theo con đường XKLĐ “chui” ở nhiều đất nước, nhưng vẫn còn nhiều người không tìm hiểu rõ để đi XKLĐ theo con đường chính ngạch, để rồi ôm lấy rủi ro, ôm lấy cục nợ, thậm chí có người ôm hận bỏ mạng bên trời Tây…    

Đọc thêm