Dấu ấn công tác dân vận Bộ đội Biên phòng Quảng Nam

(PLVN) - Những ngày này, Quảng Nam đang là mùa mưa, cộng thêm ảnh hưởng của bão số 6, nên những con đường đất lên Đồn Biên phòng (ĐBP) Ga Ri nhão nhoẹt bùn đất, ô tô, xe máy muốn đi được phải quấn xích vào lốp. Dù vậy, những người lính biên phòng nơi đây không quản ngại khó khăn, vất vả, bất kể ngày đêm, sát cánh với nhân dân, là biểu hiện cao đẹp của tinh thần trách nhiệm, tận tụy với nhân dân, góp phần tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng dân.
Đồn Biên phòng La Êê hỗ trợ gạo, mỳ tôm cùng các nhu yếu phẩm khác cho bà con các bản giáp biên huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào). Ảnh: Văn Vinh
Đồn Biên phòng La Êê hỗ trợ gạo, mỳ tôm cùng các nhu yếu phẩm khác cho bà con các bản giáp biên huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào). Ảnh: Văn Vinh

Nhiều mô hình dân vận hiệu quả

Quảng Nam có hai tuyến biên giới là biên giới biển và biên giới đất liền. Tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với tỉnh Sê Kông, Lào, dài 157,422km, đi qua 2 huyện Tây Giang và Nam giang với 14 xã, 82 thôn. Dân số có 5.538 hộ/22.539 khẩu, chủ yếu là dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng. Muốn hiểu bà con, muốn nắm bắt tâm tư của bà con thì phải học tiếng dân tộc để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động.

Để thực hiện tốt phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, hàng năm, nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Nam đều đưa ra chỉ tiêu: Các đơn vị mỗi năm mở một lớp học tiếng dân tộc, tiếng Lào, tiếng Anh. Đặc biệt là việc mở lớp dạy tiếng dân tộc Cơ Tu, Giẻ Triêng, tiếng Lào. Hiện BĐBP Quảng Nam đã có mô hình “Phòng đọc biên giới, dạy tiếng dân tộc Giẻ Triêng”, tại thôn 56, xã Đắc Pree. 

Thượng tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, BĐBP Quảng Nam đã xây dựng nhiều mô hình dân vận hiệu quả như: “Lớp học vi tính văn phòng”, “Quán cắt tóc miễn phí ngày thứ 7”, tại thôn A Rầng I, xã A Xan, huyện Tây Giang; “Nhà văn hóa - Thư viện sách”, tại thôn Đắc Ốc và thôn Apool, xã Ga Ri, huyện Tây Giang; “5 chuồng, 3 hầm, 5 không, 3 sạch”, tại xã A Nông, huyện Tây Giang.

Ở tuyến biển có mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Thôn không có người vi phạm pháp luật”... Cán bộ, chiến sĩ được giao phụ trách các hộ gia đình sẽ cùng bà con thúc đẩy các mô hình hoạt động hiệu quả.

Hưởng ứng chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, từ năm 2016 đến nay, BĐBP tỉnh Quảng Nam đã nhận đỡ đầu tổng cộng 81 lượt học sinh, từ lớp 1 đến lớp 12, trong đó, 75 học sinh ở địa bàn biên giới, biển, đảo của tỉnh, 6 em học sinh Lào, những em này đều thuộc diện đặc biệt khó khăn như: Gia đình chính sách, cha mẹ mất sức lao động hoặc các em không còn ai nương tựa… Số tiền hỗ trợ mỗi tháng là 500.000đồng/em, với tổng số tiền hỗ trợ các em là hơn 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, các ĐBP thường xuyên cử cán bộ đến thăm, động viên, hướng dẫn các em học tập, giúp đỡ gia đình các em phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng, sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống.

Nhân các dịp lễ, tết, khai giảng năm học mới, đơn vị đã vận động cán bộ, chiến sỹ, các đơn vị đồng hành, các nhà hảo tâm quyên góp tặng các em nhiều sách, vở, đồ dùng học tập, phương tiện đến trường.Từ năm 2016 đến nay, có 21 em đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có 15 em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. 

“Hạt gạo nghĩa tình” gửi đồng bào Lào

Tỉnh Quảng Nam có đường biên giới hai huyện Kà Lừm và Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào. Mùa mưa ở miền Trung bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Thời gian này là mùa giáp hạt, những hộ dân nghèo của Lào thường thiếu đói. Trước tình hình thực tế và từ đề xuất của chính quyền, nhân dân các bản của huyện Kà Lừm, Đắc Chưng, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam hằng năm đều xuất gạo hỗ trợ bà con các bản. 

Ở vùng biên giới các huyện Tây Giang, Nam Giang (Việt Nam) và Kà Lừm (Lào), dù cách trở bởi núi cao, vực sâu, nhưng các bản làng Việt - Lào vẫn luôn đùm bọc, chở che nhau như ruột thịt. Khi mùa giáp hạt đến, những người lính Biên phòng Việt Nam lại sẻ chia cho đồng bào anh em bên kia biên giới những gùi gạo trắng thơm để bà con không bị đứt bữa. Và người Lào gọi đó là “hạt gạo nghĩa tình”.

Hành trình chở những hạt gạo nghĩa tình đó những năm qua thật gian nan bởi dốc cao, vực sâu, mà còn là những đoạn đường bùn ngập tới đầu gối. Lương thực, thực phẩm của bộ đội không thể chờ đường khô, vậy nên chiếc xe U-ran chuyên chở gạo của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam là “xe bất chấp mọi địa hình”. Để chạy được trên những con đường đầy bùn đất sụt lún, dính chặt, ô tô, xe máy BĐBP được quấn xích vào lốp để chạy. Hiện đường đến ĐBP Ga ri còn 10km đường đất. 

Mới nhất, ngày 27/10, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Nam chỉ đạo ĐBP La Êê tổ chức cán bộ, chiến sỹ hành quân mang gạo, mỳ tôm cùng các nhu yếu phẩm khác đến trao tặng cho người dân giáp biên của các bản Tăng Ta Lăng, Tăng Dơi và Tăng Noong thuộc huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào), với tổng trị giá hàng hóa là 30 triệu đồng.

Thượng tá Quách Thiện Dư, Chính trị viên ĐBP La Êê cho biết, thời gian qua, do thời tiết không thuận lợi nên các bản giáp biên của huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào bị mất mùa; dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Thực hiện tốt mô hình kết nghĩa thôn - bản hai bên biên giới, đến nay, có 35 thôn/10 xã biên giới thuộc 2 huyện Tây Giang và Nam Giang kết nghĩa với 16 bản/3 cụm bản của huyện Kà Lừm và Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào. Giới thiệu 199 lượt đảng viên ở các ĐBP về tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn và 10 cán bộ tăng cường giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã.

Đọc thêm