Rắc rối cuộc chiến chia thừa kế

(PLO) - Sau ngày chồng qua đời, chị ở vậy chăm sóc mẹ chồng ốm đau cùng hai đứa con còn thơ dại. Thương chị thủy chung, hiếu thảo, mẹ chồng chị tuyên bố sẽ để lại cho mẹ con chị toàn bộ gia sản. Vậy mà khi mẹ chồng qua đời chưa đầy 100 ngày, hai chị chồng đâm đơn khởi kiện đòi chia thừa kế…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Con dâu hiếu thảo
Cha mẹ chồng chị Thảo (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) vốn có tới mười người con, bảy trai, ba gái. Cách đây hơn 20 năm, cha chồng chị Thảo mất đi để lại cho bà sự cô quạnh lẫn nỗi niềm khó xử khi các con đòi mẹ chia đất ra ở riêng. Trong bữa cơm tất niên sum vầy năm ấy, bà tuyên bố chia số đất tổ tiên để lại cộng với số đất mà ông bà vất vả tạo dựng được từ những ngày đầu lấy nhau đến nay làm mười một phần. Mười phần chia đều cho các con, không phân biệt trai, gái, phần còn lại gồm một căn nhà và hơn hai công đất là của bà sẽ dùng để dưỡng già. Việc chia đất và tách thửa làm “Sổ đỏ” sau đó cũng được tiến hành thuận lợi. 
Năm 20 tuổi chị Thảo về làm dâu, chồng chị là con thứ chín trong gia đình. Thấy mẹ tuổi cũng đã cao lại luôn đau yếu nên vợ chồng chị Thảo đã không nỡ bỏ mẹ lại một mình ra ở riêng mà ở lại làm lụng nuôi nấng mẹ, chăm lo từng miếng cơm, ngụm nước và thuốc thang cho mẹ khi trái gió trở trời. Còn các anh chị em khác trong gia đình tuy không xa xôi gì nhưng ai lo phận nấy, lâu lâu mới ghé thăm nom mẹ. 
Những tưởng hạnh phúc bình yên bên chồng và hai con ngoan ngoãn, nào ngờ tai họa ập xuống gia đình nhỏ bé của chị. Chồng chị bạc phước đột ngột qua đời, để lại cho chị  hai đứa con nhỏ thơ dại cùng mẹ già gần đất xa trời. Thương chồng, thương cả mẹ chồng, chị tình nguyện ở lại chăm sóc mẹ chồng không một chút đắn đo suy tính. 
Năm năm sau ngày chồng mất, con cái chưa kịp lớn khôn, bệnh tình của mẹ chồng ngày càng nặng thêm, phải chữa trị khắp nơi, hết bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh rồi đến bệnh viện Trung ương ở TP.Hồ Chí Minh. Cảm động trước tấm lòng của người con dâu hiếu thảo, mẹ chồng chị tuyên bố với mọi người là sau khi bà mất, số đất của mình sẽ thuộc về hai đứa cháu nội, coi như là bù đắp cho tụi nó. Không những thế, bà còn tâm nguyện dặn dò cháu phải hương khói cho bà sau này. 
Chuyện đã được công khai rõ ràng, minh bạch, những người con cũng không có ý kiến gì phản đối. Bốn năm sau đó bà qua đời, chị Thảo đứng ra làm đám tang cho mẹ, các anh chị em khác cũng phụ vào. Thế nhưng chẳng bao lâu sau ngày mẹ mất, một số anh chị em chồng đánh tiếng đòi chia thừa kế hơn hai công đất và ngôi nhà của mẹ. 
Người thì cho rằng ý nguyện của mẹ lúc sống làm sao thì thực hiện làm vậy đi,  người thì nói chia đều mới phải đạo. Riêng hai người chị chồng thì phủ nhận tờ di chúc của mẹ do chị Thảo đưa ra, họ còn bảo đây là di chúc giả mạo vì bà là người không biết chữ. Còn chị Thảo lo lắng không biết những tháng ngày tới đây mình phải giải quyết cuộc chiến chia thừa kế như thế nào. Nếu thực hiện theo ý nguyện của mẹ thì chắc chắn sẽ rất mệt mỏi, khi đó tình cảm anh em ít nhiều sứt mẻ; còn nếu buông xuôi thì ấm ức trong lòng, chị và các con không biết có còn được ở trên ngôi nhà thân thương, đầy ắp kỷ niệm đó nữa hay không?
Theo Luật gia Bùi Đức Độ (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang): Về tình, căn nhà nên để lại cho mẹ con chị Thảo
Nếu xét về mặt đạo đức, tình cảm thì hơn hai công đất và căn nhà phải thuộc về mẹ con chị Thảo, vì trong suốt những năm tháng mẹ chồng bệnh, mẹ con chị Thảo đã có công chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp hàng ngày mà những người con ruột của bà không thể có được. Mặt khác, điều này đúng với tâm nguyện của bà khi còn sống mà ai cũng biết.
Còn về lý, nếu di chúc hợp pháp thì thực hiện theo di chúc, nếu xác định di chúc là bất hợp pháp thì di sản thừa kế phải được chia theo pháp luật (hàng thừa kế thứ nhất). Tuy nhiên, những người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản do mẹ để lại theo Điều 637 và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế theo Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2005. 
Mọi thứ có thể ra đi, chỉ có tình người là ở lại. Mong rằng những người trong cuộc sáng suốt đưa ra quyết định đúng đắn. 

Đọc thêm