Dù ế vẫn chỉ muốn yêu không muốn cưới

(PLO) - Yêu đàn ông, thích trẻ con nhưng những cô gái đã ngoài 30 ấy vẫn chỉ muốn sống độc thân, bởi họ quan niệm, không nhất thiết cứ phải ''trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng''. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong cuộc sống hiện đại, có thể đồng cảm với họ…
Dừng lại ở giai đoạn yêu
Tốt nghiệp đại học ngành du lịch loại xuất sắc, sau đó được làm việc tại một công ty nước ngoài với mức lương như mơ, Nguyễn Thuận An, hướng dẫn viên, đã 30 tuổi có lẻ khác hoàn toàn với bạn bè. Sau khi có công việc ổn định người ta thường nghĩ đến chuyện hôn nhân nhưng An lại sợ lấy chồng. Nỗi khiếp sợ của cô lớn đến mức trong gia đình chỉ cần có ai nhắc đến hai từ “cưới xin” thì y như rằng cô chỉ muốn tông cửa chạy ra ngoài.
Chị Nguyễn Thuận An 
An chia sẻ, cô chỉ muốn dừng lại ở giai đoạn yêu. Cô cho rằng mình không thích hợp với cuộc sống ràng buộc của hôn nhân. “Một phần vì đặc thù nghề nghiệp, tôi phải đi rất nhiều, thời gian ở nhà rất ít, nghỉ phép hầu như chỉ muốn thư giãn cùng gia đình và bạn bè. Đến mấy anh cùng ngành còn chẳng chấp nhận được thì mấy ai thông cảm. Mà càng đi, mình càng không thích bị ràng buộc. Nên dù bố mẹ có phiền lòng cũng đành…”, An tâm sự. 
Cuộc sống hiện đại, vợ chồng bình đẳng hơn rất nhiều nên có thể san sẻ cho nhau những công việc nhà, sức nặng kinh tế, nhưng An lại nghĩ, điều này chỉ có trên lý thuyết.“Mình có thể tự làm được mọi việc và tự đảm bảo được cuộc sống bản thân nên việc lấy chồng để nhờ cậy dần không còn là dự tính trong tương lai của mình nữa”, Thuận An khẳng định. 
Chỉ sống theo ý mình
Nguyên nhân đầu tiên trào lưu tung hô sự độc thân hiện nay chính là nỗi sợ phải gánh vác trách nhiệm trong cuộc sống hôn nhân. Với những người phụ nữ này, kết hôn có nghĩa là bạn đã xác lập một mối quan hệ có ràng buộc với một người khác, tức là từ nay, bạn sẽ phải giữ vai trò là người vợ, người chịu trách nhiệm gần như chính trong gia đình. Và điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ, hy sinh rất nhiều thứ thuộc về “chủ nghĩa cá nhân” để vun vén cho một hạnh phúc khác. Họ cảm thấy phải “khiếp sợ” nếu chẳng may phải đối mặt với nó.
“Mình đã có dự tính nghiêm túc về việc sống độc thân cả 20 năm nay. Khi kinh tế vững vàng và dư giả, mình sẽ đưa bố mẹ đi du lịch, sẽ có một ngôi nhà riêng, không cần rộng nhưng đủ để sinh hoạt. Mình thích động vật và yêu trẻ con nên muốn có một cuộc sống yên ổn với những chú mèo, những đứa con nuôi, vậy là đủ. Vừa có thể tự do làm điều mình muốn mà chẳng ngại phải để ý ai, vừa có thể làm việc thiện cho lũ trẻ…”, Ngọc Khánh (34 tuổi), công tác tại một công ty liên doanh nước ngoài chia sẻ dự định. 
Cũng như Thuận An, Khánh đã yêu và đang yêu. Khánh thừa nhận không ít người nói suy nghĩ của cô là lập dị nhưng với suy nghĩ “sống cho vừa lòng người thì đâu phải là cuộc sống của mình” nên cô phớt lờ tất cả.
Theo các chuyên gia tâm lý, những người sống theo chủ nghĩa độc thân chủ yếu là thích tất cả mọi việc đều phải do mình làm chủ, còn khi đã đi vào cuộc sống gia đình, thì cả hai đều phải đặt gia đình lên ưu tiên hàng đầu. Mọi chuyện trong gia đình đều phải thông qua ý kiến của nhau. Và đôi khi những áp lực từ nhiều phía cũng dẫn đến những xung đột vợ chồng. 
Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao nhiều người chỉ muốn dừng lại trong quãng thời gian tìm hiểu, mà không muốn kết hôn. Có rất nhiều người lấy nhau không bao lâu đã li dị, cũng bởi khi vào cuộc sống gia đình, họ mới phát hiện, cuộc sống hôn nhân không phải tự một mình khống chế được. Họ thích rong ruổi với những thú vui, với những người bạn, với những chuyến du lịch một mình, những cảm xúc không bị ràng buộc hay họ có thể giữ được cái “tôi”, chẳng cần thay đổi vì ai. 
Tuy độc thân không còn là chuyện lớn hiện nay, tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận được quan điểm này. Không cổ xúy, khích lệ hay phê phán nhưng xét cho cùng, cũng theo các chuyên gia, vấn đề chính vẫn là người trong cuộc có quan niệm thế nào về gia đình, thế nào là hạnh phúc. Và cũng chẳng có cái chuẩn chung do bất kỳ ai đặt ra, mỗi người có một cái chuẩn của riêng mình. Mỗi người đều có một lí do để giải thích cho hành động của họ. 
Hạnh phúc đôi khi không nhất thiết là có một người đàn ông hay một người đàn bà bên cạnh mình suốt cuộc đời, mà đơn giản chỉ là được làm theo những điều bản thân mong muốn và chẳng phải hối tiếc.