Ép con cùng chết trăm phần đáng thương…

(PLO) - Câu chuyện thương tâm mẹ tự tử và mang theo cả con đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Thay vì phân tích xem nên trách ai, thương ai thì đã đến lúc tất cả cần thẳng thắn nhìn nhận các “góc khuất” sau các sự việc đau lòng đó để có thể tìm ra nguyên nhân và đi đến một hướng giải quyết tối ưu. 
Chuyên gia, Tiến sỹ tâm lý Trần Thành Nam

Phóng viên PLVN đã tìm đến chuyên gia, Tiến sỹ tâm lý Trần Thành Nam (Giảng viên trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) để lý giải câu chuyện trên.

Tội ác khủng khiếp

Quan điểm của ông như thế nào về những trường hợp mẹ muốn chết và ép con tự tử cùng?

- Trước hết, tôi không muốn dùng cụm từ “ép con tự tử cùng mình” mà muốn dùng hiện tượng “tự tử cùng con” để thể hiện sự chia sẻ với những nỗi đau của những người mẹ cho dù họ đã có hành vi dại dột. 

Hiện tượng tự tử cùng con thường bị xem là một tội ác khủng khiếp, không thể chấp nhận và sẽ bị quả báo nặng nề. Trong các trường hợp cha mẹ tự tử cùng con, thường có tỉ lệ mẹ tự tử cùng con cao hơn rất nhiều so với bố và con vì đơn giản mẹ thường là người chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc đứa con, có sự gắn bó chặt chẽ với con hơn.

Với những trường hợp được báo chí phản ánh trong thời gian qua, hành vi này có thể còn mang nhiều ý nghĩa văn hóa cũng như những câu chuyện về tồn tại xã hội khác mà chúng ta cần quan tâm. 

Các số liệu thống kê về các trường hợp mẹ tự tử cùng con cho thấy, phần lớn những bà mẹ này thường là phụ nữ trong khoảng từ 25-35 tuổi, không có nghề nghiệp ổn định và thường gặp nhiều vấn đề trong đời sống hôn nhân. Có thể thấy rằng có 3 nhóm nguyên nhân ở những bà mẹ đã tự tử cùng con.

Thứ nhất là, bà mẹ đang bị tổn thương sức khỏe tâm thần nhưng không được chăm sóc và điều trị đúng. Đây là những bà mẹ đã từng bị trầm cảm; xuất hiện trầm cảm sau sinh hoặc đang bị trầm cảm mà không được chẩn đoán và điều trị.

Thứ hai là, bà mẹ chịu quá nhiều áp lực do các trách nhiệm trong cuộc sống, ví dụ như họ là người chăm sóc chính trong gia đình có người bệnh lâu năm; họ có nhiều áp lực tài chính do phải nuôi con mà không được sự hỗ trợ của những người thân như chồng, gia đình chồng.

Thứ ba là, bà mẹ trải qua những sang chấn tâm lý quá lớn (như có con bị khuyết tật, nhận tin con bị bệnh nan y, có chồng ngoại tình, bị chồng bạo hành) dẫn đến tâm lý tuyệt vọng.

Cần có cái nhìn thông cảm hơn với những vụ việc mẹ ép con cùng chết.

Dưới góc độ tâm lý, theo ông vì sao những người phụ nữ khi chết thường kéo theo con mình chết cùng?

- Trong xã hội Việt Nam còn mang nhiều dấu ấn truyền thống phương Đông, phần lớn các bà mẹ cho rằng con mình là một phần cơ thể, là khúc ruột của mình đẻ ra nên mình cần mang nó theo cùng khi tự tử. Nhiều người trong số họ sau khi sinh con đã hy sinh nghề nghiệp, những sở thích cá nhân để dành nhiều thời gian chăm sóc con cái.

Những đặc điểm này đã tạo nên thói quen gắn kết giữa mẹ - con rất chặt chẽ, luôn có nhau, là của nhau. Vì vậy, nếu bỏ con lại khi tự tử tức là sự gắn kết mẹ con không nhiều, không chặt chẽ, đồng nghĩa với việc người đó không phải là một bà mẹ tốt.

Những bà mẹ có niềm tin vào Phật giáo, tin vào luân hồi có thể có suy nghĩ rằng cuộc sống ở dương thế chỉ là cõi tạm. Họ cùng đứa con yêu thương từ bỏ cõi tạm nhiều đau khổ vì hy vọng được tái sinh cùng nhau ở kiếp sau trong một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ở một khía cạnh khác, nhiều mà mẹ có thể nhận thức rằng tự tử cùng con là một cách giải thoát cho trẻ khỏi những đau khổ trong cuộc sống hiện tại. Tự tử cùng con đã giải thoát cho trẻ khỏi một cuộc sống bị kỳ thị, một người cha nghiện rượu và bạo hành... Tự tử cùng con cũng là cách để bảo vệ đứa trẻ khỏi cảnh bơ vơ, mồ côi mẹ hay mặc cảm tội lỗi vì đã để mẹ chết. 

Tôi biết có trường hợp đứa con bị người khác đổ oan cho việc ăn cắp và bà mẹ bị gia đình sỉ nhục vì “con hư tại mẹ” làm mất thể diện của gia đình đã dồn ép người phụ nữ mang con đi tự tử để chứng tỏ sự trong sạch của cả hai mẹ con. Một số hiếm các trường hợp khác tự tử nhưng kéo theo con với mục đích trả thù những người ở lại, để những người còn sống phải ân hận vì những hành động không đúng của họ.

Cảm thông nhiều hơn là đáng trách….

Trước mỗi sự việc, dư luận đều có ý kiến cảm thông, cũng như chỉ trích về hành động kéo theo con chết cùng, cá nhân ông đứng về ý kiến nào?

- Như cách tôi phân tích các nguyên nhân ở trên thì tôi thông cảm với những nỗi đau của các bà mẹ nhiều hơn khi phải đưa ra những quyết định như vậy. Chúng ta cần phải biết rằng ngoài các đặc điểm nhận thức đã được phân tích ở trên, những quyết định tự tử thường được đưa ra khi người mẹ có các triệu chứng trầm cảm hoặc một tổn thương sức khỏe tâm thần khác mà gia đình không biết.

Chính vì vậy, họ không thể cân nhắc một cách lý tính để đưa ra quyết định như những người bình thường được. Đầu tiên là chồng, các thành viên trong gia đình họ và sau đó là xã hội đều có những phần trách nhiệm của mình trước thực trạng này.

Ông nhận định như thế nào về hậu quả nếu như thực trạng này tiếp tục tiếp diễn?

- Ở phương diện vĩ mô, tổ chức Y tế thế giới đã xác định tự tử là một vấn nạn y tế toàn cầu. Nó có thể chiếm tới 2% phí tổn trong tổng số chi phí y tế trên toàn thế giới. Độ tuổi trung bình của các bà mẹ tự tử cùng con từ 25-35 tuổi là độ tuổi lao động tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Tự tử cùng con đã làm mất đi đáng kể một lực lượng lao động xã hội năng suất nhất trong hiện tại cũng như những lực lượng lao động trẻ trong tương lai. 

Nhà nước cũng cần phát triển mạnh hơn các hệ thống hỗ trợ và chăm sóc phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe tâm thần trong gia đình và cộng đồng đặc biệt là sức khỏe tâm thần của các bà mẹ trẻ như: cải thiện công tác sàng lọc các bệnh tâm thần trong cộng đồng, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận với các hệ thống chăm sóc, can thiệp sức khỏe tâm thần có uy tín một cách dễ dàng khi cần thiết. Có thể cần một đường dây nóng để phản ánh những nguy cơ về việc tự tử trong tương lai.

Đứa trẻ chính là nạn nhân của người mẹ trong lúc cùng quẫn

Ông có lời khuyên để “dẫn đường” cho các bà mẹ không thể tìm ra lối thoát?

- Bản thân các bà mẹ cũng cần được trang bị các kiến thức về trầm cảm và trầm cảm sau sinh, các vấn đề liên quan đến quyền trẻ em, nhận thức về tự tử cùng con cũng là một tội ác, kỹ năng quản lý stress, giải quyết vấn đề, những phương pháp giải quyết xung đột không sử dụng bạo lực hay hành vi ngược đãi khi phát sinh các mâu thuẫn, tranh cãi.

Ngoài ra, họ cũng cần được giáo dục về các niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng và truyền thống văn hóa không cổ vũ, khuyến khích hành vi tự tử. Họ cũng cần biết một số nguồn trợ giúp xã hội miễn phí để xin tư vấn trong những trường hợp không thể tìm ra lối thoát ví dụ như các số điện thoại đường dây nóng, thông tin liên lạc với các cán sự xã hội cộng đồng, các nhà tâm lý, hay các bác sỹ chuyên khoa tâm thần.

Đau lòng những cái “chết kép”? 

Gần đây nhất, vụ việc khiến những người chứng kiến không khỏi bàng hoàng đó là sáng ngày 13/7, người phụ nữ khoảng 35 tuổi dắt theo con gái đến khách sạn trên đường Thạnh Mỹ Lợi (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) thuê phòng.

Đến 17h cùng ngày, chủ khách sạn phá cửa xông vào thì phát hiện 2 mẹ con miệng sùi bọt mép, nằm bất động trên nền nhà, căn phòng nồng nặc mùi thuốc trừ sâu. Cách đó ít lâu, ngày 8/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang tiếp nhận hai ca cấp cứu đối với mẹ con chị Nguyễn Thị Khoe (25 tuổi) ở xã Vân Khánh, huyện An Minh.

 Nguyên nhân là do buồn chuyện gia đình, chị Khoe đưa hai con trai về nhà cha mẹ ruột. Sáng nay, người mẹ uống thuốc trừ sâu tự tử và ép hai con cùng uống. Cũng phải kể đến sáng vụ việc ngày 19/11/2015, bà T.T.P (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) phát hiện con dâu là chị Đ.T.A.N (SN 1985) và 2 cháu nội H (SN 2005) và K (SN 2006) chết tại nhà riêng với nhiều vết thương.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, nạn nhân N có 8 vết thương ở vùng bụng, cổ và mạch máu tay. Riêng hai cháu H và K thì bị cắt cổ, vết cắt sâu vào động mạch gây mất máu dẫn đến tử vong. Công an tỉnh Long An kết luận, chị N buồn chán cuộc sống, dùng dao giết chết 2 con, sau đó tự sát.

Và vụ tự tử vào ngày 11/9/2015 có lẽ giờ nhắc lại cũng không khỏi khiến người khác đau thắt lòng. Chị Lê Thị Hương Mai (SN 1986, trú tại phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) tìm đến cái chết ngày 11/9 nơi dòng sông Lô khiến gia đình, làng xóm bàng hoàng. Đau lòng hơn, chị Mai lúc này đang có bầu 3 tháng nhưng vẫn ôm con trai đầu lòng (2 tuổi) cùng gieo mình xuống sông.

Đọc thêm