Giáo dục quyền con người giúp mỗi người nhận thức đúng và tuân thủ pháp luật

(PLVN) - Đây là vấn đề được đưa ra tại Hội nghị Ban Điều hành Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa tổ chức tại Hà Nội.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Dangcongsan.org.vn)

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta hết sức quan tâm trên tất cả các lĩnh vực. Giáo dục quyền con người có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền, cung cấp tri thức, trang bị kỹ năng, củng cố niềm tin, giúp mỗi người nhận thức đúng đắn ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự mình bảo vệ các quyền, tuân thủ pháp luật và biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác.

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, giáo dục quyền con người phải là một việc làm thường xuyên, có cập nhật, bổ sung kiến thức. Việc xây dựng nội dung chương trình, tài liệu cần phân biệt rõ đào tạo, bồi dưỡng về quyền con người trong các trường chuyên ngành về luật với giáo dục phổ thông cũng như lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Nhấn mạnh việc đưa giáo dục quyền con người vào hệ thống quốc dân là một nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, qua đó bảo đảm quyền con người cho tất cả nhóm người trong xã hội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân cần hướng tới hình thành văn hóa tôn trọng pháp luật cũng như giúp mỗi người dân Việt Nam nhận thức được quyền và trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, xã hội; đồng thời làm rõ bản chất chế độ chính trị và những chủ trương, chính sách bảo vệ quyền con người của Việt Nam với quốc tế.

Để bảo đảm đạt được mục tiêu của Đề án khi thời gian còn lại là không nhiều, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan tham gia thực hiện Đề án cần nhanh chóng rà soát lại toàn bộ nhiệm vụ được phân công, đối chiếu với kế hoạch tổng thể, để có sự điều chỉnh sớm, triển khai kịp thời các hoạt động của Đề án theo sự phân công. Các cơ quan tham gia Đề án cần sớm chủ động xây dựng phương án cho việc thực hiện giai đoạn tiếp theo của Đề án sau khi kết thúc vào năm 2025, trên cơ sở các nhiệm vụ chưa triển khai và các nhiệm vụ mới phát sinh, đặc biệt nghiên cứu mở rộng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người trong hệ thống chính trị, căn cứ vào yêu cầu của tình hình thực tiễn đất nước trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Đọc thêm