Cụ thể, chiều 22/5, công nhân thi công bờ kè biển Xuân Thiều đã đào được khẩu súng thần công, sau đó Bảo tàng Đà Nẵng tiếp nhận, bảo quản và phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức nghiên cứu về khẩu súng. Sau hơn 2 tháng, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến chính thức công bố kết quả.
Theo ông Thiện, khẩu thần công bằng đồng đầu tiên được tìm thấy ở Đà Nẵng sau hơn 160 năm Pháp tấn công xâm chiếm Đà Nẵng (ngày 1/9/1858). Sự kiện này gây chú ý, tạo phấn khích cho các nhà quản lý, giới nghiên cứu. Súng nặng 200kg; dài 174,1cm, gồm 2 phần: thân súng dài 160,3cm và chuôi súng (khối hậu) dài 13,8cm. Súng có kiểu dáng tương tự khẩu thần công bằng đồng do Anh sản xuất hiện nằm ở Công viên Lịch sử Quốc gia Canada, được đúc bởi Peter Verbruggen vào năm 1782.
|
Hoa văn trên cây súng thần công |
Sauk hi nghiên cứu, ông Nguyễn Quang Trung Tiến kết luận: “Căn cứ kiểu dáng, cấu tạo các bộ phận súng, kỹ thuật đúc hoa văn nổi cùng các biểu tượng trong hoa văn trang trí trên thân súng, quai súng, cách bố trí lỗ thoát khí rất đậm nét loại súng đồng cổ của Hà Lan, cộng thêm phần chữ Hán chỉ khắc tay đơn sơ ở hai trục quay của triều Nguyễn để hướng dẫn pháo thủ sau mỗi lượt bắn và nó rất đồng dạng ở nhiều điểm với 3 khẩu thần công Hà Lan đúc những năm 1640, 1661, 1677 - 1678 hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Có thể khẳng định khẩu thần công bằng đồng này có xuất xứ từ Hà Lan, nhưng được triều Nguyễn sở hữu”.
Ông Tiến cho biết thêm: “Tuy chúa Nguyễn không có quan hệ mua bán súng thần công với Hà Lan, nhưng một số súng của Hà Lan vẫn nằm trong tay chúa Nguyễn do lấy được từ chiếc tàu Kemphaan mắc cạn gần khu vực Hoàng Sa năm 1633, từ tàu Der Gooes bị đắm ở bờ biển Đàng Trong năm 1661 và những giao dịch mua bán, biếu tặng súng thần công Hà Lan của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài vào những năm 1649, 1651, 1652 - 1654, 1655, 1657, 1662, 1674…
|
Cây súng thần công có gốc gác ở Hà Lan |
Vì thế, súng của Hà Lan được triều Nguyễn sở hữu vào cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, bao gồm khẩu súng mới phát hiện ở Đà Nẵng, đều có niên đại ở thế kỷ XVII (khoảng từ năm 1633 – 1678), xấp xỉ trên dưới 350 năm tuổi. Đến thế kỷ XIX, các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức của nhà Nguyễn chỉ tự đúc súng thần công chứ không còn mua súng đồng của nước ngoài và cũng chỉ vài lần mua thêm một số đại bác bằng gang của phương Tây”.
“Dù đã mang trên mình lắm vết thương, nhưng khẩu súng thần công bằng đồng vừa phát hiện ở Đà Nẵng do các vua triều Nguyễn huy động vào để chiến đấu bảo vệ đất nước và súng may mắn không bị lọt vào tay giặc như số phận của nhiều súng đồng khác. Sự “sống sót thần kỳ” của khẩu súng có thể được xem như hiện thân của tinh thần vượt khó, kiên cường, bất khuất của người Việt Nam trước quân xâm lược và bản thân khẩu súng là một phần di sản, độc đáo trong kho tàng di vật chống quân xâm lược của dân tộc ở mặt trận Đà Nẵng giữa thế kỷ XIX còn tồn tại đến hôm nay”, ông Tiến bày tỏ.