Hà Nội triển khai chiến dịch tiêm chủng 200.000 mũi tiêm/ngày như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 21/7, UBND TP Hà Nội ban hành phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội.
Hỉnh ảnh minh hoạ
Hỉnh ảnh minh hoạ

Trước mắt, mục tiêu của thành phố phải xây dựng phương án sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 bảo đảm năng lực tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày. Theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018, để tiêm được 200.000 mũi tiêm/ngày, thành phố cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm. Để dự phòng trong trường hợp có dây chuyền tiêm chủng không hoạt động được vì các lý do khác nhau, Hà Nội cần chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm. Hiện tại, thành phố sẵn có và bố trí thêm trước mắt được 704 dây chuyền tiêm; nên cần bổ sung thêm 496 dây chuyền tiêm mới.

Đối tượng tiêm chủng Căn cứ Quyết định số 2995/QĐ-BYT ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, đối tượng tiêm chủng là "Người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vaccine".

Hiện tại Việt Nam đang sử dụng các loại vaccine phòng Covid-19 của các hãng Astra Zeneca, Pfizer, Moderna và Sinopharm; theo hướng dẫn của Bộ Y tế các vaccine này đều được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, riêng vaccine AstraZeneca, theo hướng dẫn của nhà sản xuất được tiêm cho người từ 18-65 tuổi (người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính cần thận trong trong tiêm chủng).

Về thứ tự ưu tiên đối tượng tiêm: Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác và đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vaccine, cụ thể:

(1) Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế công lập và tư nhân, người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); lực lượng Quân đội; lực lượng Công an.

(2) Nhân viên, cán bộ Ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

(3) Cán bộ, người lao động của các cơ quan, đơn vị đã tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch, các đơn vị hỗ trợ cho công tác phong chống dịch bệnh.

(4) Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, kho bạc, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, cơ sở chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế, người dân ở vùng/khu du lịch...

(5) Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

(6) Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

(7) Công nhân tại các Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất, Cụm Công nghiệp, điểm công nghiệp.

(8) Người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.(9) Người sinh sống ở các khu vực có dịch.(10) Các chức sắc, chức việc tôn giáo.(11) Các đối tượng là lao động phổ thông thường xuyên tiếp xúc với nhiều người tại những nơi tập trung đông người như: nhóm người lao động tự do, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người như lái xe tắc xi, xe ôm, bốc vác, đánh giày, bán hàng rong... (12) Người làm việc trong các trại giam, trại tạm giam và phạm nhân.(13) Người dân không nằm trong các nhóm đối tượng nêu trên, nhưng có thể ưu tiên theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch tại từng thời điểm cụ thể theo diễn biến tình hình dịch bệnh.

Thời gian triển khai, trong năm 2021, triển khai chiến dịch ngay khi tiếp nhận vaccine đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu. Thời gian cụ thể theo các đợt phân bổ vaccine của Bộ Y tế và nguồn cung ứng (nhập khẩu và sản xuất trong nước) của thành phố Hà Nội.

Phụ thuộc vào lượng vaccine được cung ứng, phạm vi triển khai sẽ thực hiện theo để xuất của ngành Y tế. Cụ thể: Khi nguồn vaccien chưa đủ: Phân bố số lượng cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung.Khi có đủ vaccine sẽ triển khai đồng loạt trên toàn Thành phố.

Ngoài ra căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh thực tế tại thời điểm triển khai chiến dịch sẽ có điều chỉnh, ưu tiên cụ thể cho từng địa phương nhằm đảm bảo tối ưu nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh với nguyên tắc: Ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng ở các quận, huyện đang có dịch (theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ).

Kế hoạch cũng đề cập nguyên tắc tiêm mũi 1 bằng loại vaccine nào thì tiêm trả mũi 2 bằng loại vaccine đó. Với người được tiêm mũi 1 bằng vaccine của AstraZeneca, có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine của Pfizer, khoảng cách từ 8- 12 tuần sau tiêm mũi 1. Vaccine có hạn sử dụng ngắn cấp phát trước.

Theo văn bản nêu, để tránh thắc mắc, khiếu nại, đảm bảo công bằng, minh bạch trong phân bổ vaccine cho các quận, huyện, thị xã sẽ tăng cường công tác truyền thông tới các cấp chính quyền và người dân để đồng thuận theo chủ trương của thành phố.

Theo kế hoạch, thành phố sẽ phân bố chỉ 1 loại vaccine tại cùng thời điểm; các đơn vị triển khai tiêm hết loại vaccine này mới chuyển sang loại vaccine khác, nhưng phải dự trù đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine cùng loại cho 1 người và tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm 1 loại vaccine ở cùng 1 thời điểm để tránh người dân thắc mắc.

Các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm phân bổ vaccine cho các điểm tiêm theo số lượng đối tượng đăng ký và theo đúng nhóm đối tượng đã được hướng dẫn.

Đọc thêm