Hoàn thiện thể chế, pháp luật: “Bệ đỡ” thúc đẩy Hậu Giang phát triển

(PLVN) - Kinh tế - xã hội muốn phát triển thì thể chế, pháp luật phải hoàn thiện, việc thực thi pháp luật phải đạt hiệu quả cao. Đó là điều kiện tiên quyết tạo nên sự hưng thịnh, phát triển mọi mặt của địa phương, trong đó có Hậu Giang.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang.
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang.

Ưu tiên hàng đầu

Nhiều năm qua tỉnh Hậu Giang luôn xác định công tác xây dựng thể chế và thực thi pháp luật là ưu tiên hàng đầu. Tỉnh đã có nhiều đổi mới trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), trong đó tập trung thảo luận, thông qua các chính sách, quy định thuộc thẩm quyền, đặc biệt là các chính sách đặc thù của địa phương.

Để đảm bảo nhiệm vụ này được thực hiện liên tục và sâu sát, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản đôn đốc, chấn chỉnh góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương. Đặc biệt, là thành lập Tổ tư vấn về xây dựng thể chế và Tổ rà soát VBQPPL của tỉnh.

Từ khi Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 có hiệu lực đã tạo cơ sở thuận lợi giúp Hậu Giang thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế tại địa phương. Công tác này đã thật sự đi vào căn cơ, nền nếp, tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện kịp thời, các định hướng, giải pháp được thể chế hóa phù hợp với thực tiễn. Trong quá trình thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát luôn thực hiện thường xuyên, nghiêm túc đảm bảo tính kỷ luật, kỷ cương.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, hiện hệ thống VBQPPL của tỉnh đã tương đối hoàn thiện, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực, có nhiều quyết sách về thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

“Các văn bản ban hành đều được triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; chất lượng được nâng lên rõ rệt cả hình thức lẫn nội dung; trình tự, thủ tục xây dựng văn bản được tuân thủ chặt chẽ. Qua đó, tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước và nhân dân; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định.

Theo ông Thanh, riêng đối với công tác thẩm định văn bản chất lượng ngày càng cao. Các văn bản đều được thẩm định, đánh giá về nội dung lẫn hình thức nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ. Qua đó, các văn bản khiếm khuyết được phát hiện và kiến nghị xử lý, khắc phục kịp thời.

Không ngừng củng cố, hoàn thiện thể chế

Công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là một trong những tiêu chí thành phần để đánh giá, xếp loại công tác cải cách hành chính của tỉnh. Trong những năm qua, tiêu chí này không ngừng được tăng lên về thứ bậc xếp hạng so với các tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, năm 2018, tiêu chí về cải cách thể chế được Trung ương đánh giá, xếp loại đứng thứ 5 và năm 2019 xếp loại đứng thứ 2 cả nước, tăng 03 bậc so với năm 2018.

Để có được kết quả đó, UBND đã chỉ đạo trực tiếp đơn vị quản lý chuyên ngành bằng nhiều phương pháp, hình thức triển khai sâu rộng các quy định pháp luật của Trung ương cũng như của tỉnh đến mọi đối tượng trên địa bàn nắm và thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tích cực tham mưu cho HĐND, UBND hướng dẫn, cụ thể hóa những vấn đề phân cấp cho địa phương quản lý. 

Bàn về định hướng trong thời gian sắp tới, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng trong hoạt động xây dựng thể chế trên địa bàn tỉnh.

“Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện tốt việc tham mưu xây dựng, tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa VBQPPL liên quan đến từng lĩnh vực chuyên ngành quản lý, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác của từng cơ quan, đơn vị”, ông Thanh nhấn mạnh. 

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo rà soát nhằm phát hiện văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp làm cơ sở kiến nghị xử lý kịp thời theo quy định. Đổi mới, nâng chất các loại hình phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật một cách toàn diện, đồng bộ. Đặc biệt, củng cố, kiện toàn Tổ tham mưu xây dựng thể chế và Tổ rà soát VBQPPL của tỉnh, trong đó phát huy cao vai trò của cơ quan thường trực trực tiếp tham mưu quản lý nhà nước về công tác xây dựng thể chế. 

Hoàn thiện thể chế tạo “sức hút” nhà đầu tư

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, đánh giá, điểm nổi bật của Tư pháp Hậu Giang năm 2020 là công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL. Tổ công tác rà soát VBQPPL vừa thành lập đã phát huy hiệu quả tích cực. Rà soát những quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của địa phương.

Từ đó lập danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung, đề ra các cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả hơn. Triển khai thực hiện bài bản, chú trọng lựa chọn lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm để tiến hành theo dõi, đánh giá việc thực thi pháp luật. 

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nhất là hệ thống cơ chế, chính sách thu hút đầu tư theo hướng ưu đãi, cạnh tranh so với các địa phương khác. Huy động nguồn lực, tăng chi ngân sách, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức quốc tế để thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, cơ sở hạ tầng, tạo quỹ đất sạch, quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Xây dựng Chương trình Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025, trong đó, ưu tiên thu hút mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất đạo đức, tâm huyết, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Đọc thêm