Khách hàng phản ánh một việc xử lý tài sản đảm bảo: Ngân hàng HSBC Việt Nam phản hồi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Báo PLVN vừa nhận được công văn của Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC Việt Nam trả lời đơn của tập thể người dân (cùng ngụ Hà Trì 1 - 2, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội) do Báo PLVN chuyển đến.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại đơn, bà Phạm Thu Hà, Đoàn Thùy Giang, Phạm Thị Hương, ông Đoàn Khắc Thắng cho rằng đều là chủ sở hữu tài sản hiện đang được thế chấp tại Ngân hàng HSBC để bảo đảm cho các khoản vay của Cty CP Thương mại Medi-Sansfrontier Việt Nam; Cty CP Thương mại Minh Phương; Cty CP Thương mại Dược phẩm Á Châu tại Ngân hàng HSBC. Sau khi được cấp tín dụng, một thời gian sau các khoản vay của những Cty trên phát sinh nợ quá hạn từ 2013 đến nay chưa được xử lý dứt điểm do bên vay không có khả năng thanh toán.

Tại buổi làm việc ngày 19/12/2023, giữa Ngân hàng HSBC và một số chủ tài sản đảm bảo (TSĐB), phía ngân hàng đã thông báo về chủ trương cho các chủ TSĐB nộp tiền rút TSĐB và sẽ có phản hồi thông tin trước 22/12/2023 về số tiền các chủ TSĐB phải nộp. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều cuộc họp khác, phía Ngân hàng HSBC vẫn chưa đưa ra được số tiền cụ thể và thủ tục liên quan việc giải chấp TSĐB. Điều này gây phiền hà và bị thiệt hại lớn về tài sản cho các chủ TSĐB.

Công văn do Giám đốc cấp cao bộ phận Quản lý rủi ro Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Han Yong Hun ký, cho biết: Những cá nhân trên là những người cung cấp TSĐB cho một số khoản vay tại Ngân hàng HSBC. Nghĩa vụ trả nợ với các khoản vay này đã không được thực hiện, do đó Ngân hàng có toàn quyền xử lý các TSĐB này. Trên tinh thần thiện chí, khi những người cung cấp tài sản thế chấp đề xuất, Ngân hàng đồng ý thương lượng và đồng ý với chủ trương để các chủ TSĐB thanh toán một phần khoản vay để Ngân hàng hoàn trả TSĐB. Hai phía vẫn đang tiếp tục thương lượng và Ngân hàng đã cập nhật tình hình, các thông tin từ phía HSBC tới những người cung cấp TSĐB.

Để có thể đi tới kết luận cuối cùng, Ngân hàng đang cân nhắc cẩn thận và tiến hành các bước cần thiết để bảo đảm quyền lợi các bên, bảo đảm tính đúng đắn và liêm chính của thị trường, tuân thủ các quy định nội bộ của HSBC và luật pháp Việt Nam.

Đọc thêm