Người em cùng cha khác mẹ của ông Thiều là ông Nguyễn Xuân Thân (Hà Nội) tháng 9/2013 đã bí mật làm một tờ đơn gửi UBND xã An Mỹ (Mỹ Đức, Hà Nội) đề nghị xác nhận bố ông là ông Nguyễn Xuân Đoàn chỉ có 3 người con đẻ (Nguyễn Xuân Tình, Nguyễn Xuân Thương và Nguyễn Xuân Thân), ngoài ra không có người con riêng nào khác nhằm chiếm trọn khối tài sản mà ông Đoàn để lại ngay giữa lòng Thủ đô.
Mất nhà, còn không được gọi cha
Trong bản tường trình gửi Báo PLVN, ông Nguyễn Xuân Thiều nói về gia cảnh đầy biến cố của mình như sau: “Năm 1967 khi tôi mới 10 tuổi, bố tôi là ông Nguyễn Xuân Đoàn và mẹ tôi là bà Hoàng Thị Đương ly hôn. Năm 1971, bố tôi kết hôn lần 2 với bà Nguyễn Thị Bảy và sinh được 3 người con là Nguyễn Xuân Tình, Nguyễn Xuân Thương, Nguyễn Xuân Thân. Lúc đầu tôi ở với bố, nhưng sau đó phải chuyển đi nơi khác để nhường lại chỗ ở cho những người em cùng cha khác mẹ của mình sống.
Theo ông Thiều, ngôi nhà số 13 ngõ 97 Nguyễn Trãi, tổ 45C phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội là do cha ông mua, nhưng khi người cha qua đời vào năm 1997 đã không để lại di chúc. Cuối năm 2013, người em cùng cha khác mẹ của ông Thiều là ông Nguyễn Xuân Thân đã bí mật làm đơn gửi UBND xã An Mỹ đề nghị xác minh một số nội dung về nhân thân của ông Đoàn làm căn cứ xác định hàng thừa kế nhằm chia khối tài sản là nhà, đất tại địa chỉ nêu trên.
“Thân đã man khai rằng, ngoài 3 anh em cùng cha cùng mẹ của Thân, bố tôi không có con đẻ, con riêng nào... Trong khi trên thực tế và các giấy tờ pháp lý khác, trước khi lấy mẹ Thân, bố mẹ tôi đã có với nhau 3 người con. Sự thật rõ ràng như vậy nhưng Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ vẫn ký tên, đóng dấu xác nhận cho sự gian dối, vi phạm đạo đức này của Thân” - ông Thiều bức xúc.
Thực tế vừa nêu không chỉ khiến ông Thiều “mất” quyền làm con mà còn bị truất luôn quyền thừa kế tài sản dù ông chính là con đẻ, thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo luật.
Bí mật chia, bí mật bán
Được biết, sau khi “gạt” ông Thiều ra ngoài, ông Thân đã cùng mẹ đẻ và các anh ruột của mình đến Văn phòng Công chứng Bảo Việt (Hà Nội) để thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế đối với khối nhà, đất đã nêu với tư cách là hàng thừa kế thứ nhất.
Cụ thể, ngày 23/9/2013, trên cơ sở những lời khai không đúng sự thật của ông Thân cộng với sự giúp sức xác nhận của chính quyền, Văn phòng Công chứng Bảo Việt đã chứng nhận việc phân chia tài sản của ông Nguyễn Xuân Đoàn cho 4 người là: bà Nguyễn Thị Bảy, ông Nguyễn Xuân Tình, ông Nguyễn Xuân Thương, ông Nguyễn Xuân Thân. Văn bản công chứng này một lần nữa khẳng định thông tin không đúng sự thật là: “Ngoài những người thừa kế trên, ông Nguyễn Xuân Đoàn không có bố mẹ nuôi, vợ, con đẻ, con nuôi, con riêng nào khác”.
Nghĩ khối tài sản này đã chắc mẩm trong tay mình, các ông Tình, Thương, Thân sau đó đã đồng ý tặng cho phần được thừa kế của mình cho mẹ đẻ - bà Bảy. Ngày 16/10/2013, bà Bảy đã chuyển nhượng khối tài sản nói trên cho ông Nguyễn Đắc Tùng. Hơn 2 tháng sau, ông Thiều mới hay chuyện mẹ kế và các em cùng cha khác mẹ của mình đã tự tổ chức phân chia tài sản do chính cha đẻ mình để lại nên đã làm đơn gửi nhiều cơ quan đề nghị can thiệp.
Ngày 10/2/2014, Chủ tịch UBND xã An Mỹ Trần Quốc Sinh đã ký Quyết định số 12/QĐ-UBND hủy bỏ xác nhận trước đó của chính UBND xã này đối với bản kê khai gian dối của ông Nguyễn Xuân Thân. “Sau khi kiểm tra và làm việc với ông Nguyễn Xuân Tá là chú trong nội tộc của ông Nguyễn Xuân Thân, ông Tá thừa nhận “sinh thời, ông Nguyễn Xuân Đoàn có 2 vợ là bà Hoàng Thị Đương và bà Nguyễn Thị Bảy, hai bà sinh được 6 người con”. Vì vậy, ông Nguyễn Xuân Tá đề nghị UBND xã hủy bỏ nội dung chứng nhận và chữ ký trong đơn xác nhận ngày 19/9/2013 của ông Nguyễn Xuân Thân”- ông Nguyễn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ khẳng định.
Như đã nêu, dù xác nhận của chính quyền xã là hoàn toàn sai trái nhưng ông Thân đã lợi dụng “con triện”, chữ ký xác nhận của người có thẩm quyền xã này để bí mật chia thừa kế. Tuy nhiên, đến nay chưa hề thấy ai đề cập tới trách nhiệm của cơ quan này?
Được biết, liên quan đến vụ việc nói trên, mới đây Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã liên tiếp có 2 văn bản gửi ông Nguyễn Đắc Tùng (người mua lại nhà, đất của bà Bảy) và Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị ngăn chặn ngay giao dịch liên quan đến tài sản này.
“Tôi đã có đơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức (Hà Nội) tuyên bố văn bản công chứng do Văn phòng Công chứng Bảo Việt lập, chứng thực việc phân chia tài sản thừa kế do bố tôi để lại là vô hiệu. Làm rõ sự việc này không chỉ bảo vệ sự đúng đắn của pháp luật mà còn bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ cũng như tình cảm hết sức thiêng liêng của một người con đối với cha mình” - ông Nguyễn Xuân Thiều nói.