Khai thác khoáng sản trái phép “nóng” nghị trường HĐND Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh, các ngành, các cấp liên quan cần kiên quyết, quyết liệt, không dung túng, bao che đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép không đúng quy định, không đúng giấy phép được cấp, làm hỏng hạ tầng, không đảm bảo quy định về môi trường.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An Hoàng Quốc Việt
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An Hoàng Quốc Việt

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Nghệ An khóa 18 vào chiều 8/12, vấn đề khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nghệ An Hoàng Quốc Việt, hoạt động khai thác khoáng sản tại Nghệ An còn nhiều vấn đề, đặc biệt là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép gây bức xúc trong nhân dân, thất thu cho ngân sách Nhà nước, ô nhiễm môi trường…

Tính từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh và các đơn vị, địa phương đã tổ chức hơn 1.000 lượt kiểm tra; phát hiện xử lý gần 760 vụ, trong đó khởi tố 9 vụ án với 11 bị can. Xử phạt hành chính 748 vụ với tổng số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.

Theo ông Việt, mặc dù đã kiểm tra, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm, xử phạt hành chính, tạm giữ nhiều phương tiện, khởi tố nhiều vụ án, bị can, nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý ở một số loại khoáng sản khai thác như đất san lấp, cát sỏi lòng sông, quặng thiếc, đá trắng.

Cũng theo Giám đốc sở TN&MT, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép có xu hướng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Điều này gây bức xúc trong đời sống nhân dân, thất thu ngân sách cho Nhà nước, gây ô nhiễm môi trường, hạ tầng bị xuống cấp.

Về lĩnh vực khai thác cát, sỏi lòng sông, ông Việt cho rằng, đây là nguồn thu nhập, nghề nghiệp chính và truyền thống của một bộ phận nhân dân ở vùng sông nước. Do đó, để xử lý dứt điểm việc này, đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho bà con là việc làm không đơn giản.

Thông tin tại phiên chất vấn, Cục trưởng Cục thuế Nghệ An Trịnh Thanh Hải cho biết, có 294 doanh nghiệp đang nộp thuế trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Năm 2020, các doanh nghiệp này đã nộp 869 tỷ đồng và trong 11 tháng năm 2021 đã nộp 1.125 tỷ đồng, bằng gần 8% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Hải, thực trạng khai thác khoảng sản còn nhiều vấn đề nhạy cảm, nhiều rủi ro và tiềm ẩn thất thu thuế. Vì thế thời gian qua, ngành thuế đã triển khai kế hoạch, kiểm tra về lượng thuốc nổ, điện năng tiêu thụ của doanh nghiệp để đánh giá truy thu thuế. Các giải pháp đó đã góp phần quan trọng trong việc chống thất thu ngân sách. Năm 2020 đã triển khai truy thu xử phạt hơn 25 tỷ; riêng 11 tháng của năm 2021 đã truy thu xử phạt 15,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An, công tác quản lý tài nguyên nói chung, quản lý thu ngân sách nói riêng đối với hoạt động khoáng sản còn rất nhiều bất cập, hiện tượng lãng phí, thất thoát tài nguyên, thất thu thuế vẫn còn diễn ra.

Kết luận phiên chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh, các ngành, các cấp liên quan cần kiên quyết, quyết liệt, không dung túng, bao che đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép, không đúng quy định, không đúng giấy phép được cấp, làm hỏng hạ tầng, không đảm bảo quy định về môi trường. “Khai khác tài nguyên khoáng sản phải hợp lý, đảm bảo phục vụ cho sự phát triển nhưng phải bền vững để lại cho con cháu sau này”, ông Thái Thanh Quý nói.

Đọc thêm