Luật sư Hoàng Tuấn Vũ (Công ty Luật TNHH Tuệ Anh) - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về điều kiện đăng ký kết hôn như sau:
Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định. Không bị mất năng lực hành vi dân sự. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về đăng ký kết hôn như sau: Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
Dựa vào quy định nêu trên, pháp luật hiện hành không yêu cầu phải đăng ký kết hôn trước khi tổ chức đám cưới. Như vậy, việc chậm đăng ký kết hôn hoặc tổ chức đám cưới mà chưa đăng ký kết hôn sẽ không bị xử phạt và cũng chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi này. Việc xử phạt chỉ áp dụng trong trường hợp vi phạm các điều cấm hoặc không đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, căn cứ khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định về thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật như sau: Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) và có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết và áp dụng Điều 9 và Điều 14 của Luật Hôn nhân và Gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ.
Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Theo đó, nếu bạn có mong muốn ly hôn với chồng của mình thì vẫn có thể gửi yêu cầu ly hôn lên Tòa án để giải quyết. Nếu đủ căn cứ, Tòa án sẽ tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa vợ chồng bạn.
Tiếp đó, theo Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, cụ thể như sau: Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Tóm lại, từ năm 2017 bạn đã về nhà mẹ đẻ ở sau đó đi làm và tự mua được một chiếc xe máy, một mảnh đất. Vậy nếu bạn có căn cứ chứng minh bạn mua những tài sản này từ tiền riêng của mình thì người chồng của bạn không có quyền lợi gì (trừ trường hợp các bên thỏa thuận với nhau).
Ngoài ra, theo thông tin bạn cung cấp thì hai vợ chồng đã có với nhau một người con chung. Mặc dù về mặt quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân của vợ chồng bạn chưa được công nhận nhưng bạn vẫn có quyền yêu cầu Tòa án buộc chồng của bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo đúng quy định của pháp luật (Căn cứ Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).