Kiên Giang tập trung phát triển bền vững kinh tế biển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chiều 19/4, Tỉnh ủy Kiên Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Chương trình số 47 của Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và Chương trình hành động số 47 của Tỉnh ủy, kinh tế biển Kiên Giang tiếp tục có những bước tiến bộ. Tỷ trọng kinh tế biển chiếm 80% GRDP toàn tỉnh (đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030).

Các ngành kinh tế biển nhìn chung có sự chuyển biến tích cực. Dịch vụ và du lịch biển phát triển mạnh mẽ, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản tiếp tục gia tăng về sản lượng và chất lượng, từng bước phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, bền vững, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Đã triển khai đề án “Phát triển nuôi biển theo định hướng bền vững đến năm 2030” và dự án “Điều tra các nghề khai thác vùng biển ven bờ và vùng lộng biển trên địa bàn tỉnh”. Cơ cấu lại đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển, trên biển.

Các khu đô thị biển, ven biển được tập trung đầu tư và đã có bước phát triển tích cực, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh như: Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương. Kinh tế hàng hải tiếp tục phát triển khá tốt, tỷ lệ tăng trưởng ở mức cao, chất lượng hạ tầng và dịch vụ vận tải dần được hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong và ngoài tỉnh.

Kiên Giang đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo, gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống Nhân dân.

Nhiều dự án, công trình lớn đã và đang được triển khai như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; cầu Cái Lớn - Cái Bé; đưa vào sử dụng các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão Lình Huỳnh, Hòn Tre, Thổ Châu, An Thới, Xẻo Nhàu, đê chắn sóng Dương Đông, đầu tư đường ven biển qua địa bàn tỉnh như: Rạch Giá-Hòn Đất, Hòn Đất-Kiên Lương; các tuyến đường ven biển và hệ thống đường giao thông trên các đảo Phú Quốc, Hòn Nghệ, Lại Sơn, Hòn Tre, Nam Du, An Sơn; hệ thống trường học, trạm y tế cho các xã ven biển và hải đảo...

Đồng thời, văn hóa - xã hội vùng biển đảo và ven biển ngày càng được chú trọng hơn. Các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được triển khai đến tận các xã ven biển, hải đảo.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Đỗ Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhấn mạnh, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Chương trình hành động số 47-CTr/TU bước đầu đạt kết quả tích cực, đây là tiền đề cơ bản cho bước phát triển của những năm tiếp theo.

Ông Đỗ Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang phát biểu kết luận hội nghị

Ông Đỗ Thanh Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang phát biểu kết luận hội nghị

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, qua đối chiếu với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình 47 của Tỉnh ủy kết quả đạt được chưa nhiều, chưa toàn diện, còn nhiều nhiệm vụ, nhiều việc phải làm, còn hạn chế như: Sự chuyển biến trong nhận thức về phát triển kinh tế biển ở một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chậm nên tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa được phát huy. Các phương thức quản lý biển tiên tiến chưa được nghiên cứu áp dụng, như quản lý không gian biển, quy hoạch sử dụng biển; Kinh tế biển tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh; Kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và thiếu đồng bộ để khai thác hiệu quả kinh tế biển.

Bên cạnh đó, trên cơ sở những kết quả đạt được, để thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, Kiên Giang cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

Trước hết phải thống nhất quan điểm: Phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, của cả hệ thống chính trị, không chỉ là nhiệm vụ của các sở, ngành và địa phương có biển mà còn phải phát huy vai trò, trách nhiệm của địa phương không có biển; Tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo. Các cấp, các ngành, địa phương thực hiện rà soát, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển và hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận; Đẩy mạnh hơn nữa phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, đảo mang bản sắc độc đáo riêng của Kiên Giang.

Tiếp tục phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước, khu vực Đông Nam Á và quốc tế. Nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển các cụm đảo Nam Du, Bà Lụa, Tiên Hải để phát triển du lịch và dịch vụ có giá trị; Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nhằm phục vụ tốt hơn cho nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển; hạ tầng kỹ thuật các khu và cụm công nghiệp; hạ tầng viễn thông, điện và nước ngọt, nhất là ở địa phương có biển, các xã đảo tiền tiêu, có vị trí chiến lược; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là trong nuôi trồng, khai thác, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; ưu tiên các dự án đầu tư có ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh./.

Đọc thêm