Kinh tế Việt Nam phục hồi rõ nét?

(PLO) - Với GDP ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011 - 2014, năm 2015 được đánh giá là năm nền kinh tế phục hồi rõ nét... Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng trong tương lai...
Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2015 của Việt Nam ước đạt 162,4 tỷ USD
Vẫn chưa đạt mức kỳ vọng
Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội cả nước năm 2015, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, 2015 là năm có ý nghĩa to lớn và quan trọng vì là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015). 
Mặc dù trong bối cảnh thị trường toàn cầu có những bất ổn và kinh tế thế giới chưa lấy lại được đà tăng trưởng và phục hồi chậm sau khủng hoảng nhưng nhìn chung, bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội nước ta năm 2015 vẫn có nhiều khởi sắc.
Đặc biệt là GDP với mức tăng trưởng đạt 6,68% là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. “Đây là tín hiệu cho thấy nền kinh tế nước ta đã phục hồi rõ nét…” - Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhận định.
Số liệu thống kê cho thấy, khu vực công nghiệp và xây dựng có tốc độ tăng cao nhất, tăng 9,64%, cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước, đóng góp 3,20 điểm phần trăm, trong đó ngành công nghiệp tăng 9,39% so với năm trước (công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,60%); ngành xây dựng tăng 10,82%, đây là mức tăng cao nhất kể từ  năm 2010; tiếp đến là khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm. Tuy nhiên, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 2,41%, thấp hơn mức 3,44% của năm 2014; đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Lý giải về nguyên nhân khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thấp trong 5 năm trở lại đây, ông Hồ Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho rằng có một phần nguyên nhân do thời tiết cực đoan, nắng nóng, hạn hán kéo dài, thiên tai lũ lụt tàn phá… Chính điều này đã khiến cho năng lực sản xuất của nền kinh tế vẫn chưa có mức tăng trưởng cao như kỳ vọng…
Bên cạnh đó, một số ngành như  công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại, ngân hàng… tuy có mức tăng trưởng cao hơn năm 2014 nhưng vẫn còn thấp hơn so với thời kỳ trước. Ngay cả việc giá dầu thô giảm cũng là một yếu tố không thuận lợi cho nền kinh tế khi nguồn thu ngân sách từ việc xuất khẩu mặt hàng này cũng bị sụt giảm đáng kể…
Báo động nhập siêu từ Trung Quốc
Đáng chú ý về số liệu xuất nhập khẩu là sau 3 năm xuất siêu liên tiếp, năm 2015 nhập siêu đã quay trở lại và Trung Quốc vẫn là thị trường nhập siêu lớn nhất.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014. Đây là mức tăng thấp nhất của kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm qua và thấp hơn kế hoạch đề ra (tăng 10%). Nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu tăng thấp là chỉ số giá xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm so với năm trước, đặc biệt như dầu thô, cao su, than đá, cà phê, rau quả, thủy sản... cùng với lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh. 
Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước.  Với việc nhập khẩu tăng cao hơn xuất khẩu, cán cân thương mại rơi vào tình trạng thâm hụt với mức nhập siêu ước tính 3,2 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là thị trường Việt Nam phụ thuộc nhiều nhất. Riêng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ước đạt 49,3 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước và chiếm 29% tổng kim ngạch nhập khẩu - lớn nhất trong các quốc gia Việt Nam có quan hệ thương mại. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng gia tăng nhập siêu từ các thị trường lớn khác như Hàn Quốc với 18,7 tỷ USD, tăng 28%; ASEAN 5,5 tỷ USD, tăng 45%. Thị trường Nhật Bản sau nhiều năm xuất siêu, năm 2015 đã nhập siêu hơn 300 triệu USD. Mỹ và EU vẫn giữ được mức xuất siêu tương ứng 25,5 tỷ USD và 20,6 tỷ USD trong năm 2015.
Đáng chú ý, nhập siêu hoàn toàn thuộc về khu vực kinh tế trong nước với 20,3 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,1 tỷ USD. Hàng nhập khẩu vào cạnh tranh lớn, gần đây, mức nhập siêu 2015 không những từ thị trường Trung Quốc mà còn  Malaysia…
Theo Tổng cục Thống kê, khi các hiệp định thương mại bắt đầu có hiệu lực, hội nhập sẽ làm tăng cạnh tranh gay gắt hơn. Đặc biệt, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập vào ngày 31/12/2015 thì sức ép cạnh tranh là rất lớn. 
Cũng theo dự báo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2016, bên cạnh những thuận lợi sẽ kèm theo những khó khăn như giá dầu thô giảm, điều chỉnh giá các loại dịch vụ như y tế , giá điện… tiến tới giá thị trường tránh bù lỗ, cũng sẽ tác động không nhỏ tới chỉ số giá. Năng suất lao động thấp, độ chênh với các nước ngày càng gia tăng, bên cạnh đó là sức ép về tỷ giá là những thách thức lớn trong năm 2016. 
“Tránh đưa ra dự báo quá lạc quan”
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh BDI, thực ra từ quý II/2015 kinh tế Việt Nam đã có xu hướng đi xuống. Đây là vấn đề không chuyên gia phân tích và báo cáo nào đề cập. Sở dĩ đưa ra nhận định này, ông Nghĩa căn cứ vào 4 chỉ số: Chỉ số tài chính,Chỉ số giá đầu vào nhập khẩu, Chỉ số Hợp đồng giao hàng (PMI) và Chỉ số hoạt động kinh tế. Các chỉ số này đều có dấu hiệu đi xuống. “Rất may nó kết thúc chu kỳ ngắn hạn đi xuống trong xu thế đi lên dài hạn…”, ông Nghĩa phát biểu.
Nhận định về năm 2016, chuyên gia này cho biết, năm 2016 vẫn chưa hết khó khăn vì theo ông, những gì thuộc về chu kỳ không thể làm khác được, do vậy cần cẩn thận, tránh đưa ra dự báo lạc quan quá. Theo TS Nghĩa, áp lực tăng lãi suất là vấn đề của năm 2016, và áp lực đáng lo ngại nhất đối với trung và dài hạn của Việt Nam vẫn là nợ công…

Đọc thêm