Hiệp định TPP – Cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam?

(PLO) - Việt Nam đang nỗ lực mở rộng thị trường quốc tế thông qua việc đẩy nhanh tiến trình đàm phán tham gia các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đánh giá của các chuyên gia, khi Việt Nam gia nhập TPP, một trong những lĩnh vực được lợi nhất từ Hiệp định này chính là ngành dệt may. 
Hiệp định TPP – Cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam?
Vậy, ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi ích gì từ TPP?. TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế TW trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, theo đánh giá của các chuyên gia, Hiệp định TPP lần này có nhiều điểm mới hơn so với các Hiệp định thương mại tự do truyền thống. Vậy, những điểm mới đó là gì?
- Hiệp định thương mại tự do truyền thống chủ yếu đề cập đến ba vấn đề: Tự do về thương mại hàng hóa, tự do về thương mại dịch vụ và tự do hóa đầu tư. Hiệp định TPP là một Hiệp định thương mại tự do cao và có nhiều điểm khác biệt.
Thứ nhất, vẫn như các Hiệp định thương mại tự do truyền thống, đề cập đến vấn đề tự do hóa nhưng mức độ, cấp độ và độ sâu tự do hóa cao hơn như: Việc cắt giảm thuế quan, thời điểm thực hiện, mức độ thực hiện, miễm giảm thuế xuống 0%. 
Thứ hai, Hiệp định TPP liên quan đến rất nhiều chính sách, thường gọi là chính sách sau đường biên giới. Hiệp định này không chỉ đề cập đến vấn đề thuế quan, hải quan mà còn đề cập đến các vấn đề về doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm Chính phủ, cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động hoặc đề cập rộng hơn rất nhiều như quyền sở hữu trí tuệ.  Ngoài ra, TPP còn ứng xử với những vấn đề thương mại đặt ra trong Thế kỷ XXI như thương mại điện tử...vv 
Thứ ba, cũng như cách thức đàm phán trong WTO, ASEAN, cách tiếp cận của Hiệp định TPP là chọn cho. Vì vậy, đòi hỏi cách tiếp cận của Hiệp định này minh bạch hơn rất nhiều.
Có ý kiến cho rằng, khi Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP, một trong những ngành, lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này chính là ngành dệt may. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này? 
- Khi Việt Nam gia nhập TPP, những ngành Việt Nam có lợi thế so sánh khi sân chơi rộng hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn, hàng rào ngăn chặn cuộc chơi bị thu hẹp lại hoặc giảm bớt sẽ có cơ hội phát triển và bùng nổ. Đấy là những ngành mà Việt Nam có hàm lượng lao động tương đối cao như: Dệt may, da giầy, đồ gỗ, một số mặt hàng nông sản Việt Nam có cạnh tranh như cây trồng, thủy sản...vv 
Bên cạnh đó, những ngành có thị trường rộng hơn, mức độ giảm nhanh hơn sẽ dễ có cơ hội phát triển, một trong số đó chính là ngành dệt may. Bởi vì dệt may thuế quan trung bình nếu không có TPP là 16 – 17 %, nếu giảm từ 16 – 17% về 0% thì rõ ràng khả năng cạnh tranh, lợi ích đem lại cho ngành dệt may sẽ rất lớn. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà dệt may và một số lĩnh vực khác được coi là những ngành hưởng lợi nhất khi Việt Nam tham gia TPP.
Thưa ông, cũng như các Hiệp định thương mại tự do khác, bên cạnh những cơ hội lớn, khi gia nhập Hiệp định TPP, các doanh nghiệp Việt chắc hẳn sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
- Khó khăn thách thức là câu chuyện đúng, nhất là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và nhìn về dài hạn thì việc Việt Nam vượt qua được những khó khăn về lâu dài sẽ làm tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Chỉ có tuân thủ quy luật chung, các doanh nghiệp Việt mới đáp ứng được những yêu cầu của thế kỷ XXI. 
Theo nghĩa ấy, những khó khăn đặt ra như việc tuân thủ quy định về nguyên tắc xuất xứ, kỹ thuật, tiêu chuẩn về lao động, môi trường hay thủ tục pháp lý... trước mắt sẽ là khó khăn nhưng lại là tiền đề, là động lực thúc đẩy, tạo đà cho doanh nghiệp trong cuộc chơi dài hạn. Vì vậy, chúng ta phải thấy được ý nghĩa của việc các doanh nghiệp việt cố gắng tuân thủ và vượt qua được những cam kết trong TPP cũng như các cam kết quốc tế khác.
Trước yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng cao, các doanh nghiệp Việt phải làm gì để nâng cao năng lực pháp lý, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức? 
- Không chỉ là TPP mà trong các Hiệp định thương mại tự do khác, việc nâng cao năng lực pháp lý, năng lực cạnh tranh là một thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt. Bởi vì số lượng doanh nghiệp Việt hiểu biết về hội nhập chỉ ở mức độ nhất định, không cao. Mặt khác, hiểu biết nhưng để đi sâu được vào những cam kết cụ thể, những ràng buộc có tính pháp lý cao, để học, hiểu, để vận dụng là một thách thức không nhỏ. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt phải có sự chuẩn bị thật kỹ. 
Thứ nhất, về mặt pháp lý, chúng ta phải chuẩn bị cho hệ thống pháp luật trong nước tương thích với các cam kết quốc tế nói chung và Hiệp định TPP nói riêng. TPP liên quan đến những cam kết, những chỉnh sửa về pháp lý, về chính sách trong nước mà các chính sách trong nước càng ngày càng tương thích với các cam kết quốc tế hơn. Vì vậy, hiểu cam kết hội nhập nhưng doanh nghiệp cũng phải rất hiểu sự chuyển động về chính sách trong nước. 
Thứ hai, các doanh nghiệp lớn thường hiểu về hội nhập tốt hơn, có nguồn lực và năng lực để thực hiện hơn. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn nữa, hiện nay, cơ chế giám sát trong các cam kết quốc tế được nâng lên cao, đặc biệt là trong TPP. Vì vậy, việc truyền đạt, tuân thủ về mặt pháp lý từ doanh nghiệp lớn có kinh nghiệm, có cơ hội, có năng lực nhiều hơn sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất quan trọng. 
Thứ ba, bên cạnh việc nắm bắt, hiểu biết các cam kết, các doanh nghiệp phải nghiên cứu các vụ việc, vụ kiện trước đó để rút kinh nghiệm. Nhiều trường hợp liên quan đến sản xuất, xuất khẩu thủy sản trước đó chính là bài học quý cho các doanh nghiệp khi tham gia vào một sân chơi rộng hơn, lớn hơn, phong phú, đa dạng và phức tạp hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Đọc thêm