Ký sự dọc Trường Giang - Bài 1: Lội bùn, theo chân thợ săn “sản vật quý”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mỗi ngày từ 5h sáng đến 4h chiều, những người dân ở dọc sông Trường Giang lại dầm mình dưới sông để cào hến kiếm tiền trang trải cuộc sống. Công việc vất vả nhưng cả ngày mỗi lao động cũng chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng.
Làm nghề này phải dầm mình giữa sông nước mênh mông nên cũng đồng nghĩa là đang đánh cược với thủy thần.
Làm nghề này phải dầm mình giữa sông nước mênh mông nên cũng đồng nghĩa là đang đánh cược với thủy thần.

Đời hến – đời người

5h sáng, khi trời còn chưa sáng tỏ mặt người, nhóm thợ cào hến của ông Phạm Văn Bảo (55 tuổi, ngụ TP Tam Kỳ) đã bắt đầu một ngày đi dọc sông Trường Giang để mưu sinh. Đã có hơn 20 gắn bó với nghề, ông Bảo tự tin mình nhớ rõ từng khúc nông sâu, từng đoạn quanh co của sông, nhớ luôn thời điểm con nước lớn, nước ròng để ngâm mình bắt hến. Từ lâu ông đã xem nghề cào hến như một phần của cuộc đời mình.

Đưa đôi bàn tay chỉ về phía con nước, ông Bảo nói với tôi: “Bây giờ thì xuôi ra ngoài Thăng Bình cào thôi chú”!. Tôi thắc mắc vì sao lại như vậy thì ông Bảo cười giải thích: “Nơi đó có nhiều đoạn sông hẹp, rớ nhiều nên ghe cào hến ít chạy vào, chỉ có cào thủ công. Nhờ đó mà hến cũng có nhiều hơn so với các đoạn khác chú à”.

Vụ

Từ lâu nhiều người đã xem nghề cào hến như một phần của cuộc đời mình.

Thấy tôi còn đang thắc mắc vì sao ông lại biết nơi nào có hến, ông Bảo lại cười nói thêm: “Nghề này đi theo con nước. Phải đúng thời điểm nước xuống, hến nổi mới cào bắt được. Còn nơi nào có hến, thì đó là do “con mắt” nhìn nước của những người làm nghề. Còn chúng tôi thường không ở miết một dòng sông mà thường đi nhiều nơi khác nhau lắm. Cái nghề này vất vả, cơ cực lắm, nhưng vẫn phải làm, tất cả vì miếng cơm manh áo”.

Cũng đi cào hến cùng ông Bảo, anh Hồ Văn Tâm (33 tuổi) khi thấy tôi muốn tìm hiểu về cái nghề săn “sản vật quý” này thì cười nói: “Nghề này là nghề đi thụt lùi. Nói thế, để dễ hình dung về cách cào hến. Chẳng có chi đặc biệt hết, dùng sợi dây cột sào vô lưng, rồi dùng tay để điều khiển vợt cào sâu hay cạn dưới bùn đất, cứ rứa mà bước thụt lùi”.

Hến ở sông Trường Giang được mọi người ví như “sản vật quý” của những cuộc đời mưu sinh với sông nước.

Hến ở sông Trường Giang được mọi người ví như “sản vật quý” của những cuộc đời mưu sinh với sông nước.

Nói xong anh Tâm lội ra giữa dòng sông, rồi cắm sào ghìm xuồng và bước giật lùi dưới đáy sông mà cào. Bước một quãng, anh lại ngoi lên vừa lấy hơi vừa giũ vợt cho bớt bùn đất bám vào hến, xách lên những mớ hến lẫn sỏi đá, cành cây mục và rác.

Cứ thế, họ gom nhặt từng chút một như thế, đều đặn và tỉ mỉ. Những bước chân dẵm sâu bưới bùn, ngâm mình trong con nước dềnh dang, nhặt nhạnh con hến, như nhặt nhạnh từng giọt phù sa cho cuộc đời mình…

“Đánh cược với thủy thần”

Ở dọc sông Trường Giang có hàng trăm ngư dân gắn bó với cái nghề lam lũ này, họ như chấp nhận cho riêng mình một cuộc đời bình lặng mà yên ả. Họ cứ đều đặn những chuyến hành trình, có lúc từ nửa đêm, có khi rạng sáng.

Nhiều gia đình nay trang bị hẳn thuyền máy, chế vợt sắt dài hơn rồi dùng thuyền đảo khắp mặt sông để cào bắt hến. Nhưng có nhiều người, chọn cách làm truyền thống với cây vợt và đôi chân, lần dò tới lui giữa dòng Trường Giang…

Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Tiến (34 tuổi) tâm sự: “Làm nghề này người lành lặn khó lắm, sông nước mênh mông cũng đồng nghĩa là đang đánh cược với thủy thần đó chú à”.

Những bước chân dẵm sâu bưới bùn, ngâm mình trong con nước để nhặt con hến, như nhặt từng giọt phù sa cho cuộc đời mình.

Những bước chân dẵm sâu bưới bùn, ngâm mình trong con nước để nhặt con hến,

như nhặt từng giọt phù sa cho cuộc đời mình.

Nhìn về phía bờ sông, anh Tiến giải thích thêm về những “tử thần” đang rình rập những người như anh: “Điều sợ nhất với người theo nghề này là giẫm phải vỏ hến, vỏ ốc găm vào chân, tay tứa máu ra. Hôm sau xuống nước chỗ vết thương ấy xót không chịu được. Nhiều người bị mưng mủ, tấy đỏ phải nghỉ ở nhà cả một thời gian dài. Rồi chưa nói những bệnh ngoài da, trong làng đã có nhiều người, phải bỏ nghề vì các bệnh về xương khớp”.

Sau mỗi buổi cào, khi muốn mang hến về bỏ cho thương lái, mỗi người phải sàng sẩy cho sạch đất, sỏi, rong rêu rồi lọc phân loại ốc, hến thành những loại riêng. Công việc này tuy nhìn đơn giản, nhưng tốn rất nhiều thời gian và công sức do lượng bùn bám trên vỏ hến chắc, phải vừa sàng, vừa rửa mới đủ sạch.

Nhặt, đãi, đến chiều, các thợ cào kiếm được lưng chừng bao hến, rồi vội vác bao lên đường. Điểm đến, là các lò chế biến hến nằm ven sông. Chủ lò cân hến, rồi phân loại, hến lớn giá chừng 50.000đồng/ang (8kg), loại nhỏ, giá chỉ chưa bằng phân nửa.

Hến sau khi cào sẽ được đãi và đem cho chủ lò cân. Hến lớn giá chừng 50.000đồng/ang (8kg).

Hến sau khi cào sẽ được đãi và đem cho chủ lò cân. Hến lớn giá chừng

50.000đồng/ang (8kg).

Anh Tiến trút bao hến cân, nhẩm đếm được 500.000 đồng. Đủ một ngày công, không nhiều, không ít. Tôi nhìn cái cách anh trút bao hến, đem cân, rồi nhận tiền, có chút gì đó thảnh thơi kỳ lạ. Như kiểu, đã quen với được mất, kể cả những ngày ít ỏi, thì cũng sẽ tin một ngày khác nào đó trúng đậm, bù trừ.

“Nghề mà, phải có lúc này lúc khác chứ. Giờ còn trẻ, còn đi được thì còn cào mà lo gì. Như cái nghiệp rồi. Giờ thú thiệt, bỏ nghề, cũng khó kiếm được việc mà thu nhập đều như cào hến”, anh Tiến bộc bạch.

Đọc thêm