Ký ức người cựu tù Hỏa Lò

(PLVN) - Ở tuổi 95, ông Nguyễn Tiến Hà, hiện là Trưởng ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò, vẫn còn minh mẫn sáng suốt. Trong những câu chuyện ông kể còn in đậm dấu ấn của những ngày tháng bị truy lùng, bị giam cầm trong nhà tù Hỏa Lò – nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian. 
Những bức ảnh ghi lại các buổi gặp gỡ, họp mặt của các cựu chiến sĩ nhà tù Hỏa Lò.

Hỏa Lò – nơi địa ngục “kìm” ý chí con người

Ông Nguyễn Tiến Hà, tên khai sinh là Nguyễn Hữu Tự, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Văn Lâm (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đã sớm giác ngộ cách mạng. Ông còn có người anh trai thứ hai là Nguyễn Hữu Văn, đã từng là cận vệ và là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tên gọi Tạ Quang Chiến (là một trong số 8 người được Bác Hồ đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi). Ông là một trong những thanh niên hoạt động sôi nổi, hăng hái trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc Thành Hoàng Diệu và có vai trò là một thầy giáo, dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân. 

Hoạt động sôi nổi và tham gia nhiều hoạt động giải cứu tù binh, ông tầm ngắm của thực dân Pháp. Ông bị địch bắt cùng với nhiều sách vở và giấy tờ tùy thân, trong đó có tấm thẻ căn cước giả mang tên Trần Hữu Thỏa với nghề nghiệp “Giáo sư”. Ông bị địch đưa về Sở Mật thám tra khảo, hỏi cung, sau đó bị áp giải về nhà tù Hỏa Lò. 

Những ngày tháng tại Sở Mật Thám, người thanh niên trẻ bị địch tra khảo bằng nhiều cực hình dã man. Ông Hà nhớ lại những lần bị trói tay vào cửa sổ, bị tra tấn bằng quay điện. Chúng tra tấn đến mức tưởng chừng như người cựu tù không thể vượt qua nổi. “Chúng ấn đầu xuống thùng nước để cho chết sặc, hét với tôi rằng“nếu khai thì giơ tay lên”. Nhưng không,tôi không chịu khuất phục nên chúng vẫn tiếp tục tra khảo, tôi đã gần như chết ngất. Chúng định đem đi phi tang nhưng nếu tin tức một ngườu tù trong này bị chết, những anh em  khác trong tù sẽ phản đối, kích động nên chúng mới đưa tôi sang nhà tù Hỏa Lò”.

Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn rất minh mẫn.

Địch e sợ ông không qua khỏi, cuối tháng 12/1950, chúng chuyển ông sang nhà tù Hỏa Lò nhằm phi tang. Nhưng ở đây, nhờ đồng đội chăm sóc, thuốc thang, sức khỏe ông đã dần hồi phục. Với người cựu tù, ở cái tuổi gần đất xa trời này, điều khiến ông nhớ mãi đó chính là những ngày tháng lao khổ trong nhà tù Hỏa Lò. Ông nhớ về những đêm lạnh nằm trên chiếc phản dài được ghép hờ bởi những miếng gỗ, ngày mùa đông, côn trùng đầy nhặng căn vào da thịt những người tù khiến họ không thể nào ngủ được. Ông nhớ về những bữa ăn cũng chỉ gọi là có cái để cho vào miệng bởi thứ thức ăn nơi địa ngục ấy phải gọi bằng sự “ghê gớm”, “kinh hãi”. Những người lính không thể sống và sinh hoạt như những người bình thường. Cơ thể họ suy kiệt, mang nhiều bệnh do quá trình sinh hoạt tại đây quá khắc nghiệt. Hỏa Lò chính là nơi giam giữ sau khi hỏi cung, đời sống cực kỳ khổ sở để tiêu diệt ý chí phấn đấu, làm mất lòng yêu nước.

Thế nhưng, từ sự khó khăn, khắc nghiệt nơi chỗ ngục tối trần gian, ông Hà cùng các chiến sĩ khác đã cùng nhau vượt qua, biến nơi đây trở thành một cơ sở cách mạng. Ông được anh em tại tù Hỏa Lò tín nhiệm bầu vào Ban Chi ủy, được cử làm Bí thư chi bộ của Nhà tù. Ông đã cùng ban lãnh đạo các trại giam tổ chức cho anh em đấu tranh chống địch khủng bố, đàn áp, đòi cải thiện đời sống cho tù nhân. Đặc biệt, ông tích cực tham gia tổ chức các lớp học văn hóa, chính trị, ngoại ngữ và cũng là thầy giáo trong các lớp đó. Chính vì vậy, anh em tù nhân đã gọi ông với cái tên thân mật: Thầy giáo Thỏa hay thầy Hiệu trưởng Thỏa.

Về bí danh Trần Hữu Thỏa, ông cho biết: “Khi vào tù loại giấy thông hành, như bây giờ mình gọi là chứng minh thư, tôi không có nên đã lấy giấy thông hành của một người công nhân làm công chính ở đây, người ấy là nữ , tên là Trần Thị Thoa, bây giờ tôi mới dùng bút tẩy đi sửa thành Trần Hữu Thỏa. Đó là cái tên mình khi trong tù. Còn cái tên Nguyễn Tiến Hà mượn ý là Nguyễn “Tiến về Hà Nội” mình đi ra ngoài và trở về để giải phóng thủ đô. Và quả nhiên sau này, tôi cũng là một trong những người trong đoàn quân trở về tiếp quản thủ đô”.

Ông Nguyễn Tiến Hà chia sẻ: “Hòa Lò là địa ngục trần gian để đầy ải tinh thần và thể xác chiến sĩ cách mạng bắt tù đầy. Thế nhưng, trái lại là ta có chi bộ có Đảng lãnh đạo, duy trì được cơ sở và tinh thần cách mạng ở đây, cho nên bề ngoài nó là bộ phận thống trị của đế quốc nhưng thực ra bên trong có “sóng ngầm” vẫn sinh hoạt. Từ sự gian khổ cực kỳ trong nhà tù, các đồng chí trong đây cũng nuôi hy vọng, niềm tin thắng rất lớn để vượt qua được những gian khổ, đầy ải trong này. Cho nên sự đấu tranh giữa sự sống và cái chết trong nhà tù là điều khiến tôi luôn nhớ mãi”.

Ông Nguyễn Tiến Hà - Cựu tù chính trị nhà tù Hỏa Lò.

Hỏa Lò – nơi tìm về

Hòa bình lập lại, những người tù chính trị trở về cuộc sống bình thường nhưng vẫn đau đáu niềm mong mỏi muốn được gặp lại nhau khi tuổi đã “xế chiều”. Bởi vậy, tháng 12/1991, một tổ chức tình nghĩa được thành lập, đó chính là Ban Liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò (thời kỳ 1946 – 1954). Sau đó một năm, các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò thời kỳ 1930 – 1945 và thời kỳ 1946 – 1954 đã họp bàn và hợp nhất thành một tổ chức, lấy tên là: Ban Liên lạc chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò (1930 – 1954).

Hiện nay, ông Nguyễn Tiến Hà giữ vai trò là Trưởng ban liên lạc của tổ chức này và Hỏa Lò cũng là nơi mà các cựu tù chính trị tổ chức gặp gỡ, duy trì sinh hoạt hằng năm. Ban Liên lạc này được thành lập từ nguyện vọng của các đồng chí, anh em tù chính trị đã từng cưu mang, đùm bọc nhau, giúp đỡ nhau vượt qua khổ sở trong tù đày, họ nhớ nhau, muốn được gặp nhau và cùng nhắc lại khẩu hiệu “Trong tù kiên trung bất khuất,  ngoài đời tình nghĩa thủy chung”. 

Ông Tiến Hà chia sẻ: “Bởi hiện nay, phần lớn các cựu tù đều tuổi đã cao sức yếu, vì vậy, ban Liên lạc cũng là nơi gắn bó các thành viên với nhau cùng thăm hỏi, cúng viếng nhau khi qua đời. Ban Liên lạc cũng giúp những việc khác như bảo vệ quyền lợi cho anh em những người trong tù bị oan, minh oan cho họ, phải thu thập nguyện vọng của anh em để đề đạt lên cấp trên để đảm bảo quyền lợi của anh em. Do đó mới có pháo lệnh của nhà nước đối với người tù đày được hưởng một số chính sách ưu đãi và trợ cấp của nhà nước “.

 Ông Nguyễn Tiến Hà nhận được nhiều giải thưởng quan trọng vì sự đóng góp đối với đất .

Đặc biệt, từ khi được thành lập, Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của di tích. Các hội viên trong Ban liên lạc đã nhiệt tình tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Đó là những dịp để các cựu tù chính trị trò chuyện, truyền ngọn lửa yêu nước, bầu nhiệt huyết cách mạng tới các em học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên đến từ các cơ quan, đơn vị, nhà trường trên địa bàn Thành phố.

Hiện nay, Ban Liên lạc vẫn thực hiện việc thuyết phục liên kết cựu tù chính trị ở các nhà tù trên khắp cả nước về tụ họp tại Hỏa Lò. Riêng ban Liên lạc đại diện tại nhà tù Hỏa Lò thời điểm thành lập có khoảng 500 người, tuy nhiên cũng có những người ốm yếu không thể tham gia được. Đến nay đã gần 30 năm, số lượng các thành viên giờ chỉ còn hơn 60 người. Các hội viên đều ở độ tuổi từ 80 đến trên dưới 100 tuổi, lại mang trong mình nhiều thương tích, bệnh tật do tuổi cao, do hậu quả của những đòn tra tấn dã man của kẻ địch. Mặc dù vậy, họ - những người cựu tù chính trị vẫn tích cực tổ chức các hoạt động nghĩa tình đồng đội, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và tham gia vào nhiều hoạt động đóng góp cho sự phát triển của đất nước. 

Đọc thêm