Lâm Đồng dự kiến chi hơn 20 tỷ đồng trồng lại rừng sau giải tỏa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo về Đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Trồng rừng sau giải toả thuộc Đề án tăng cường quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.
Đẩy mạnh trồng cây sau giải toả góp phần đảm bảo độ che phủ rừng.
Đẩy mạnh trồng cây sau giải toả góp phần đảm bảo độ che phủ rừng.

Đề án trồng, khôi phục rừng sau giải tỏa do Sở NN&PTNT Lâm Đồng kiến nghị, thực hiện trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và TP. Đà Lạt.

Theo đó, tình trạng vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua có chiều hướng giảm đáng kể, tuy nhiên tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp vẫn luôn diễn ra ở mọi nơi với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.

Trong giai đoạn 2016-2019 diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 334,39 ha. Dự án trồng và chăm sóc rừng các năm (sau giải toả) giai đoạn 2022-2025 là cần thiết, góp phần phát triển ngành lâm nghiệp, đảm bảo độ che phủ rừng góp phần phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo ổn định an ninh, chính trị địa phương của tỉnh.

Được biết, từ năm 2015 đến năm 2019, các đơn vị chủ rừng nhà nước đã giải tỏa trên 1.200 ha đất lâm nghiệp và tổ chức trồng lại rừng 879,02 ha rừng. Theo lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt thì trong năm 2022, sẽ tiến hành giải toả và trồng lại rừng trên diện tích 96 ha đất trống sau giải toả; qua kết quả kiểm tra hiện trường, toàn diện tích đã được giải toả và chưa trồng lại rừng.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tổ chức trồng và chăm sóc rừng trên diện tích 248,6 ha đất trồng sau giải toả thuộc lâm phần quản lý của các đơn vị chủ rừng nhà nước với chủng loại thông 3 lá và trồng sao, dầu. Trong đó, diện tích trồng thông 3 lá: 232,53 ha; diện tích trồng Sao, dầu là16,07 ha. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 20 tỷ đồng.

Sở NN&PTNT có trách nhiệm tổ chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt các dự án thành phần theo đúng quy định hiện hành; hằng năm phối hợp Sở KH&ĐT tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện công tác chăm sóc rừng trồng theo các nội dung đã được phê duyệt.

Đọc thêm