Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên đại bàn, hôm nay (2/8), Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU của về tăng cường phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID- 19 các cấp cần thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trước hết, tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm điều kiện, duy trì, ổn định sản xuất - kinh doanh để có nguồn lực phòng, chống dịch và phục vụ nhân dân.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ, hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp và nhâ dân.
Đồng thời phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, 4 tại chỗ, tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại, phải luôn có tư tưởng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi, địa bàn, đối tượng quản lý, căn cứ tình hình thực tế tự quyết định theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao, kịp thời báo cáo cấp trên trực tiếp tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền; không để mất khả năng kiểm soát dịch bệnh.
Đáng chú ý, Chỉ thị yêu cầu thực hiện các biện pháp mạnh, quyết liệt hơn, cao hơn, đi trước một bước ứng với từng cấp độ nguy cơ của dịch bệnh, thực hiện tốt các yêu cầu giãn cách cá nhân với cá nhân, gia đình với gia đình, không tập trung đông người; vận động người dân không ra khỏi nhà và hạn chế phương tiện đi lại sau 21h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau, trừ trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, cấp cứu và trường hợp đặc biệt, việc thực hiện kể từ 21h ngày 4/8/2021.
Bên cạnh đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng phương án, cân đối nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo sinh phẩm, vật tư, máy móc phục vụ xét nghiệm, điều trị bệnh nhân COVID-19; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở điều trị, nhân lực, bác sỹ, điều dưỡng và các trang thiết bị y tế đảm bảo việc phân tầng điều trị theo từng cấp độ dịch bệnh; chủ động kinh phí dự phòng sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh cao hơn.