Lâm Đồng sẽ lập đường dây nóng tố giác tội phạm lĩnh vực Lâm nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian tới ngoài việc tăng cường phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh với các tỉnh lân cận, Lâm Đồng sẽ thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiểu quả trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Hiện trường vụ phá rừng lớn ở Đà Lạt, Lâm Đồng gây bức xúc dư luận.
Hiện trường vụ phá rừng lớn ở Đà Lạt, Lâm Đồng gây bức xúc dư luận.

Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng vừa cáo báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” (Đề án 1836), trong 05 tháng đầu năm 2022.

Trươc hết từ ngày 10/12/2021 đến ngày 10/5/2022 Lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành tuần tra truy quét và xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp với tổng số vụ vi phạm là 110 vụ. Trong đó, 83 vụ đã xác định đối tượng vi phạm, chiếm 75,5% và 27 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm chiếm 24,5%.

Diện tích thiệt hại do phá rừng là 20,49 ha, lâm sản thiệt hại (04 hành vi) là 549,5m3. Đã tiến hàng xử lý 84 vụ vi phạm, trong đó 77 vụ xử lý hành chính, 07 vụ xử lý hình sự, tịch thu 169,8 m3 gỗ tròn/xẻ các loại, thu nộp ngân sách hơn 1.388 triệu đồng.

Trong số 27 vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng vi phạm, Lực lượng kiểm lâm phát hiện, lập hồ sơ 10 vụ vi phạm, chiếm 37%; đơn vị chủ rừng phát hiện, lập hồ sơ 17 vụ vi phạm, chiếm 63%. So sánh với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm giảm 122 vụ (53%); diện tích thiệt hại do phá rừng tăng 4,97 ha (32%), lâm sản thiệt hại giảm 695 m3 (56%).

Thời gian qua đã thực hiện trồng, khôi phục 1.553,42 ha diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định. Đồng thời, hoàn thành ý kiến về thiết kế kỹ thuật trồng rừng 06/11 hồ sơ với diện tích 57,94 ha/188,57 ha diện tích đất lâm nghiệp sau giải tỏa.

Trong vấn đề kinh phí thực hiện, Sở NN&PTNT đã có quyết định về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 cho các đơn vị. Theo đó, đã giao dự toán kinh phí cho Chi cục Kiểm lâm là 3.157 triệu đồng để thực hiện các nội dung liên quan theo nhiệm vụ của Đề án 1836. Chi cục Kiểm lâm đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự toán chi tiết, trình phê duyệt để có cơ sở triển khai thực hiện.

Ngoài ra, trong năm 2022, căn cứ đề xuất, kế hoạch trồng và chăm sóc rừng sau giải toả của các đơn vị chủ rừng nhà nước, Sở NN&PTNT đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư dự án trồng rừng sau giải toả, tổng diện tích dự kiến là 248,6 ha với tổng kinh phí đầu tư là 20.255 triệu đồng. Tiếp tục đề xuất UBND tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện công tác chăm sóc rừng trồng các năm với tổng kinh phí thực hiện là 7.194 triệu đồng.

Bên cạnh đó với kinh phí từ nguồn dịch vụ môi trường rừng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng đã phân bổ cho 20/22 đơn vị chủ rừng, với tổng số tiền 15.643,411 triệu đồng, đạt 96,86% với tổng kinh phí phân bổ. Đến nay, tổng kinh phí đã phân bổ để thực hiện Đề án 1836 trong năm 2022 là hơn 46,3 tỷ đồng.

Thời gian tới Sở NN&PTNT tiếp tục thực hiện tuyên truyền, nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý bảo vệ rừng: Tổ chức thực hiện tập huấn nghiệp vụ, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp cho lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh, mua sắm máy móc, thiết bị cho lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng tại cơ sở.

Tăng cường phối hợp bảo vệ rừng vùng giáp ranh với các tỉnh lân cận, thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh,... để nâng cao hiểu quả trong công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Đọc thêm