Cuối năm 1998, ông Nguyễn Văn Cường, ngụ tại ấp 6, xã Vĩnh Tân đã tìm thấy một mộ táng chum gỗ nắp trống đồng trên một mảnh ruộng thuộc ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh, huyện Tân Uyên (nay thuộc xã Tân Uyên), tỉnh Bình Dương. Mộ táng này được tìm thấy dưới độ sâu cách mặt ruộng khoảng 1,8 - 2,5m.
Ngay khi được phát hiện Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học thuộc Viện khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Dương đã đào thám sát tại vị trí phát hiện trống đồng theo hướng dẫn của ông Nguyễn Văn Cường, thu được một chum gỗ còn nguyên vẹn và một số di vật khác nằm trong lòng chum theo hình thức vật tuỳ táng.
“Độc nhất vô nhị”
Sau khi tiến hành khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện chum gỗ này có chất liệu gỗ huỳnh đàn (chất liệu sưa, trắc thối) cao khoảng 61cm, đường kính miệng 46-50cm, có nhiều đường vân gỗ tròn đồng tâm. Trống đồng dùng làm nắp cao khoảng 40cm, đường kính mặt trống 47,5cm, đường kính chân đế 44cm.
Mặt trống đồng tâm có hình ngôi sao 10 cánh nhọn đầu, xen giữa các cánh sao trang trí hoạ tiết hình lông công đơn giản cách đều cùng với các hoạ tiết hình chữ V ngược lồng nhau. Chum gỗ và trống đồng kết hợp với nhau thành một bộ Mộ táng chum gỗ trống đồng.
Ban đầu khi được mang lên chum còn nguyên vẹn, tuy nhiên do bị ngâm lâu ngày trong môi trường bùn lầy, nên sau một thời gian tiếp xúc với không khí, gỗ co lại khiến chum nứt ra thành nhiều khe hở. Trống đồng cũng không tránh khỏi việc bị gãy vỡ 1/2 phần chân và tang trống, gãy một cặp quai hình mui thuyền.
Những phần gãy vỡ này vẫn còn tại hiện trường khai quật và được thu thập toàn bộ, sau đó trống được dán ghép lại bằng kỹ thuật đúc thạch cao cho phần lõi bên trong theo đúng định dạng của trống, rồi dán phần gãy vỡ vào trên bề mặt thạch cao theo đúng cấu tạo của trống.
Bà Đỗ Thị Tiên, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Dương cho biết, chum gỗ nắp trống đồng có niên đại khoảng từ thế kỷ II đến thế kỷ I đầu Công nguyên (gần 2000 năm về trước), mộ chum gỗ - nắp trống đồng là hiện vật gốc còn nguyên vẹn phát hiện trong di tích khảo cổ học, duy nhất có ở Việt Nam và Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện nay.
Được biết, táng tục mộ chum là hiện tượng phổ biến của cư dân cổ nhiều nơi trên thế giới. Táng thức mộ chum/vò là hình thức dùng những chum/vò bằng gốm đất nung để chôn nguyên thi thể người chết (hung táng), than tro hỏa táng hay cải táng di cốt. Cũng có thể trong chum/vò chỉ có đồ tùy táng mà không có di cốt hay than tro (mộ tượng trưng).
Tại Việt Nam, táng thức mộ chum phân bố khá rộng rãi từ Bắc Trung bộ vào đến Nam Bộ, trong các khu vực phân bố của văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở miền Đông Nam bộ, văn hóa Lung Leng ở Tây Nguyên. Trên địa bàn văn hóa Đông Sơn mộ vò có mặt từ Nghệ Tĩnh đến Quảng Bình - khu vực tiếp giáp văn hóa Sa Huỳnh.
Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học, đây là kiểu mộ táng mới lạ được phát hiện lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam và thế giới. Việc sử dụng “áo quan” bằng chum gỗ dùng trống đồng làm nắp đậy là tư liệu rất mới trong nghiên cứu hoạt động sống của các cộng đồng cư dân cổ trên địa bàn Đông Nam Bộ.
Mặt nắp trống đồng dùng làm nắp đậy tại Mộ chum gỗ tại Phú Chánh. |
Điều này góp phần tạọ nên những nhận thức mới về lối sống của cộng đồng cư dân từng ở trong khu vực Phú Chánh cũng như ở Việt Nam và Đông Nam Á qua từng giai đoạn phát triển của lịch sử.
Phải nói thêm rằng, Bình Dương là một tỉnh nằm ở miền Đông Nam bộ, có vị trí hết sức thuận lợi cho việc sinh sống và lập nghiệp của các cư dân qua các thời kỳ lịch sử. Nền văn hóa cổ được khảo sát, nghiên cứu, điều tra, thám sát và khai quật trong đó có di tích Bưng Sình - Phú Chánh (Tân Uyên).
Di tích khảo cổ học Phú Chánh vốn là một thung lũng sình lầy (nên có tên Bưng Sình), nằm dọc theo bờ suối Cái, gần nơi hợp lưu với suối Con. Khu vực này trước đây là một vùng sình lầy cổ, nằm giữa vùng đất xám và vàng nâu trên vùng phù sa cổ với nhiều nguồn nước bổ sung từ các dòng suối nhỏ.
Sự giao thoa giữa các nền văn hóa người Việt cổ
Lần theo dấu tích lịch sử cùng quá trình nghiên cứu khảo cổ học có thể thấy cách ngày nay hàng ngàn năm người Việt cổ đã rất chú trọng tới cõi vĩnh hằng. Những cách mộ táng của cộng đồng cư dân từng tồn tại ở nước ta thời tiền sử được tìm thấy vô cùng phong phú trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Tại khu di tích Bưng Sình, qua quá trình khảo sát, khai quật theo Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng có thể hệ thống thành 5 cách táng thức người cổ ở Phú Chánh. Thứ nhất cách táng chum gỗ có nắp là trống đồng. Thứ hai là hình thức trống đồng và sử dụng cọc gỗ cắm xung quanh tạo thành một vòng tròn tượng trưng cho chum gỗ.
Thứ ba, người Việt cổ vùng này đã dùng loại huyệt vòng tròn dạng chum gỗ, nện chặt đất xung quanh, ken dày xác cau ở thành mộ và đáy lá các loại thảo mộc băm nhuyễn sau đó phủ lên mộ với vải thô. Thứ tư, loại huyệt vòng tròn dạng chum gỗ, đan những giỏ tre có hình chum đặt xuống và đặt đồ tùy táng vào tâm mộ và lấp lại. Cuối cùng chính là loại huyệt mộ có dạng chum tròn chỉ được nện chặt đất xung quanh.
Riêng về mô hình mộ táng thứ ba, chuyên gia nghiên cứu về Dân tộc học PGS. TS Phan An nhận định rằng: Việc xuất hiện nhiều vỏ quả cau trong mộ gợi đến nhiều nét văn hóa liên quan của nhiều dân tộc ở Nam Đông Dương, về tục ăn trầu về bộ lạ cau tiền thân của Vương quốc Chăm pa... một đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Phú Chánh cổ khá phong phú và đặc sắc.
Việc dùng trống đồng úp lên chum gỗ đó là nét độc đáo khác trong việc nhận thức về di chỉ khảo cổ học Phú Chánh. Phải chăng Phú Chánh là một di tích biểu hiện cao nhất sự hội nhập giữa văn hóa Sa Huỳnh văn hóa Đông Sơn vào giai đoạn cuối của tiền sử Đông Nam bộ trên cả hai lĩnh vực văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.
Cùng đánh giá về vấn đề này Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, táng thức phát hiện trong khu di tích Phú Chánh thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, giữa các văn hóa cổ đại ở Việt Nam. Đó là mối quan hệ giữa các nền văn hóa Đồng Nai - Sa Huỳnh - Đông Sơn. Mộ chum gỗ có hình thức tương đồng với mộ chum gốm của văn hóa Sa Huỳnh và trống đồng thuộc loại hình trống Đông Sơn.
Quá trình khai quật Mộ chum gỗ tại di tích khảo cổ Phú Chánh. (Ảnh: baobinhduong.vn) |
Đáng chú ý, dù phân thành nhiều loại nhưng tất cả loại hình mộ đều xoay quanh một cấu trúc - đó là cấu trúc dạng chum - có thể bằng gỗ, được cắm các loại cọc, thanh gỗ dài nhỏ theo dạng tròn, hoặc được nện đất tạo huyệt mộ hình chum. Điều này đã gây ra không ít bàn cãi trong giới khảo cổ học Việt Nam.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đây là dụng cụ dệt vải của người cổ. Riêng Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng cho rằng, các thanh gỗ tìm được có thể xếp vào các nhóm: trục dệt (ba tiêu bản), dao dệt (hai tiêu bản), còn nhóm thứ 3 gồm 17 thanh gỗ nhọn có cấu tạo các nấc khác nhau được đoán là các “thanh móc sợi”.
Từ đây, các nhà khảo cổ kết luận: Di tích Phú Chánh có niên đại cách nay 1.900-1.800 năm. Cư dân vùng này xưa là một cộng đồng dân tộc sống trên sàn nhà, canh tác nông nghiệp, xe sợi dệt vải, có cuộc sống phát triển và khá ổn định. Tuy nhiên, còn nhiều di vật chưa xác định được rõ ràng. Chủ nhân di chỉ này là ai? Họ thuộc nhóm chủng tộc và ngôn ngữ nào?
Ngoài ra, việc tìm thấy gương đồng “tứ nhũ tứ ly” thời Tây Hán (Trung Quốc) trong mộ chum gỗ và chum gỗ làm từ cây huỳnh đàn (sưa, trắc thối) vốn không phải là loại cây có trên vùng đất này đã thể hiện sự giao lưu rộng rãi cả về mặt kinh tế và văn hóa của cư dân cổ nơi đây.
Hiện tại, “Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh” đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh vừa được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/12/2018.