Nét đẹp văn hoá trong tục Tế Tổ đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tế Tổ là nét đẹp văn hoá của người dân xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá). Tục lệ này có từ lâu đời, nhằm tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên, những người đã khuất.
Tục lệ Tế Tổ là nét đẹp văn hoá của ngư dân xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá)
Tục lệ Tế Tổ là nét đẹp văn hoá của ngư dân xã Hải Hà (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá)

Người Việt Nam có câu “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, để nói về lòng biết ơn của chúng ta đối với những người đi trước. Đó là những người đã có công dựng nước, giữ nước. Đó là những anh hùng dân tộc, những chiến sĩ vô danh. Đó là ông bà tổ tiên ta, đã có công sinh thành dưỡng dục ta. Tế Tổ là nét đẹp hướng về ông bà tổ tiên.

Hải Hà là xã ven biển thuộc thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hoá), giáp tỉnh Nghệ An. Lịch sử hình thành xã Hải Hà thì không ai nắm rõ, người dân nơi đây chỉ biết rằng, họ đã sinh sống từ rất lâu, hình thành nhiều nét đẹp văn hoá, và thường diễn ra vào đầu năm: Thờ Thần Biển, Thờ Ông Cá – Bà Cá, Tế Tổ, đua thuyền, cờ người… Những năm gần đây, xã còn tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền, kéo co.

Trong ngày Tế Tổ, con con cháu đều vào nhà tổ làm lễ.

Trong ngày Tế Tổ, con con cháu đều vào nhà tổ làm lễ.

Tục lệ Tế Tổ ở xã Hải Hà diễn ra trong tháng Giêng. Mỗi dòng họ tự chọn một ngày âm lịch để làm lễ, thường vào ngày chẵn. Các ngày Tế Tổ hay được chọn nơi đây là 16; 18; 20. Đây là thời gian sau rằm tháng giêng, mọi việc cúng bái ở trong gia đình coi như đã ổn. Ngày Tế Tổ được cho là ngày rất quan trọng. Người đi xa có thể không về ăn tết, nhưng ngày Tế Tổ, vẫn cố gắng sắp xếp về. Mỗi dòng họ đều có nhà thơ riêng. Tiền dùng để xây nhà tổ, sửa sang nhà tổ, cúng tế, được con cháu trong họ đóng góp hàng năm.

Tế Tổ được chia làm hai lễ vào hai ngày khác nhau. Lễ đầu gọi là Tế Yết, được thực hiện vào đêm hôm trước, thường là vào ngày lẻ. Tế Yết là lễ nhỏ, như lời mời ông bà tổ tiên về. Lễ Tế Yết thường diễn ra từ 8 giờ tối trở đi, tuỳ dòng họ, mà thời gian kéo dài 1-2 giờ tiếng. Lễ Tế Đại diễn ra vào khoảng 8 giờ sáng hôm sau hoặc muộn hơn, và thường diễn ra 2-3 tiếng.

Người đánh trống có vị trí quan trọng trong lúc làm lễ tế

Người đánh trống có vị trí quan trọng trong lúc làm lễ tế

Trong Tế Yết và Tế Đại đều có đánh trống, chuông mõ xen vào lời đọc của trưởng tộc và phụ tế. Phụ tế như là người dẫn dắt buổi lễ. Trưởng tộc ăn mặc áo dài, khăn đóng, đi hài. Vái lạy theo trưởng tộc có khoảng 4 người trở lên tuỳ vào dòng tộc, gọi là phụ lễ. Bên cạnh đó, còn có hai người hầu trà rượu, dâng hương lên bàn thờ, phụ giúp cho trưởng tộc. Tất cả người tham gia buổi lễ đều mặc áo dài, khăn đóng, đi hài. Trước khi vào làm lễ, tất cả đều phải rửa tay sạch và lau khô bằng khăn sạch.

Buổi lễ diễn ra trang nghiêm, thành kính, con cháu trong dòng họ đều ngồi trong nhà thờ vái lạy theo. Nếu đông quá, thì ngồi ra ngoài sân. Lễ vật dâng cúng thường là thịt heo, thịt gà, xôi, trầu, rượu, hoa quả. Sau khi trưởng tộc làm lễ xong, con cháu vào vái, thắp hương, cầu nguyện. Trong quá trình tế, tất cả con cháu phải giữ trật tự.

Trưởng tộc là người có trách nhiệm lớn hơn cả, là tấm gương sáng cho cả họ noi theo. Trưởng tộc phải thuộc hết các nghi thức của buổi lễ, thậm chí phải luyện giọng đọc truyền cảm. Bài văn Tế Tổ gồm văn xuôi và thơ, cũng như danh sách tên họ những người đã khuất. Trong buổi lễ, tên những người đã khuất sẽ được đọc lên. Sau mỗi lần đọc tên một người, tất cả sẽ vái một vái.

Người dân Hải Hà quan niệm rằng, ngày Tế Tổ là ngày quan trọng, là ngày con cháu hướng về tổ tiên, nhớ ơn tổ tiên. Từ đó để sống tốt hơn, làm việc tốt hơn, để mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình, dòng họ. Qua đó, sẽ góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Đọc thêm