Ngôi chùa có tượng hồng ngọc nhiều nhất Việt Nam

(PLO) - Ngày 19/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Bính Thân), Hội Kỷ lục gia Việt Nam đã xác nhận 4 kỷ lục Việt Nam cho chùa Đại Tuệ (đóng tại xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An). 
Hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối tại chùa Đại Tuệ.
Theo đó, 4 kỷ lục được xác nhận gồm: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất và Ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam. 

Chùa Đại Tuệ - ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIV thờ Phật Bà Đại Tuệ, tọa lạc trên núi động Thăng Thiên (thuộc dãy núi Đại Huệ, xã Nam Anh). Tương truyền, từ thời vua Mai Hắc Đế đánh quân xâm lược nhà Đường (năm 627 sau CN), đến thế kỷ thứ XV, ngôi chùa này được vua Hồ Quý Ly xây cất lại để thờ Phật Bà Đại Tuệ - người có công giúp Hồ Vương xây thành Đại Huệ làm căn cứ chống giặc Minh.

Năm 1789, vua Quang Trung trên đường ra Bắc đại phá quân Thanh đã dừng chân tại chùa để chiêu mộ mười vạn quân sĩ tổ chức huấn luyện ở trước sân chùa. Cũng trong lần này, vua Quang Trung được các nhà sư trong chùa mách bảo kế sách hành quân vừa tránh được tai mắt kẻ địch, rút ngắn được đường ra Thăng Long.

Nghe theo lời giáo huấn của các sư trong chùa Đại Tuệ, vua Quang Trung đã hành quân cấp tốc ra Thăng Long đại phá 29 vạn quân Thanh trước dự định hai ngày.

Sau khi chiến thắng trở về, Hoàng đế Quang Trung chiếu xuống cắt 20 mẫu ruộng giao cho chùa để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng. Do thiên nhiên khắc nghiệt và những biến cố của lịch sử, chùa Đại Tuệ đã xuống cấp trầm trọng. 

Ngày 16/4/2011, chùa Đại Tuệ chính thức được khởi công xây dựng lại với 3 phần: chùa Thượng, chùa Trung và chùa Hạ.

Đến ngày 11/10/2015, chùa Thượng đã hoàn thành với bảo tháp Đại Tuệ cao chín tầng, Đại hùng bảo điện, Tổ đường, nhà thờ Ngũ đế cùng với khu Tăng xá, nhà cư sỹ, khách đường, lầu chuông, lầu khánh…

Toàn bộ hệ thống tượng pháp trên đại tháp chùa Thượng được làm bằng ngọc quý; tượng pháp trong Đại điện cũng như Tổ đường và Nhà thờ Ngũ đế được làm từ gỗ dâu nguyên khối.

Bên cạnh đó, tất cả câu đối, đại tự trên chùa Đại Tuệ được viết toàn bằng chữ thuần Việt. Đây là điểm nhấn đặc sắc nhằm tôn vinh nét đẹp và giá trị trường tồn của văn hóa Việt trong dòng chảy văn hóa, lịch sử.

Cũng trong ngày 12 tháng Giêng năm Bính Thân, đại diện Ban Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An, trụ trì chùa Đại Tuệ đã tổ chức lễ khai bút đầu năm.

Đọc thêm