Ô nhiễm và bất cập khiến người dân bức xúc, tuy nhiên sự vào cuộc chậm chạp, thiếu quyết liệt của chính quyền vô tình khiến vấn đề này trở thành một bài toán khó. Trên địa bàn thành phố hiện nay có đến hàng trăm điểm tập kết rác tạm. Đa phần các điểm tập kết rác này đã tồn tại từ rất lâu do có sự phối hợp, bố trí giữa chính quyền địa phương và các công ty làm dịch vụ vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, trong tiến trình quy hoạch và phát triển hạ tầng Hà Nội, có rất nhiều điểm tập kết rác thải trở nên bất hợp lý. Điểm tập kết rác ở phố Sa Đôi phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm là một ví dụ.
Dù đoạn đường này chỉ dài khoảng 400m nhưng cứ vào mỗi buổi sáng lại tái diễn cảnh ùn tắc kéo dài. Đáng nói, căn nguyên ùn tắc lại xuất phát từ những xe tập kết rác thải sinh hoạt. Để “gỡ khó”, mỗi ngày công an phường Đại Mỗ phải dùng phương án sử dụng xe chuyên dụng để chặn ngang một chiều ở đầu đường Sa Đôi giao với đường Đại Mỗ nhằm hạn chế các phương tiện di chuyển sang đường Sa Đôi.
Ngoài ra, tình trạng rác thải tập kết “vô duyên”, dọc tỉnh lộ 179 thuộc địa bàn xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm cũng đang khiến không ít người bức xúc. Theo đó, các xe rác của công ty môi trường trên địa bàn, sau quá trình thu gom đều được tập kết ngay bên đường tỉnh lộ. Đáng nói, rác khi thu gom về được mang đến trước cổng Trường Mầm non Sao Mai tập kết. Hệ lụy là, hàng ngày có hàng trăm cháu nhỏ phải gánh chịu sự “tra tấn” bởi mùi hôi thối bốc ra từ điểm tập kết rác bất hợp lý.
Theo tìm hiểu, trước thực trạng rác thải tập kết nhức nhối nêu trên, người dân trong xã, giáo viên, phụ huynh học sinh và cử tri trên địa bàn đã “kêu cứu” và kiến nghị đến UBND xã Kiêu Kỵ cùng cơ quan chức năng. Tuy nhiên, điều khó hiểu là nhiều năm qua sự việc vẫn không được giải quyết?
Thiết nghĩ, về lâu dài, các cơ quan chuyên môn, ban, ngành liên quan cần thiết kế, xây dựng những điểm tập kết rác được quy hoạch riêng, xa khu dân cư, xây tường bao để không làm ảnh hưởng tới bên ngoài. Về giải pháp trước mắt, đề nghị đơn vị chuyên trách bố trí các điểm tập kết xe thu gom rác hợp lý, trả lại lòng đường vỉa hè cho người và phương tiện lưu thông, tránh gây cản trở, ùn tắc giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.