Nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An “khát” lao động sau Tết

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An đang thiếu hụt lao động trầm trọng do số lượng công nhân quay trở lại làm việc giảm. Bên cạnh đó, dịch bệnh phức tạp khiến nhiều nhân sự đang làm việc bị nhiễm COVID-19.
Các doanh nghiệp không chỉ thiếu hụt người lao động mà còn phải bỏ ra chi phí lớn cho công tác phòng, chống dịch (Ảnh: M.A).
Các doanh nghiệp không chỉ thiếu hụt người lao động mà còn phải bỏ ra chi phí lớn cho công tác phòng, chống dịch (Ảnh: M.A).

Theo báo cáo của ngành chức năng, Khu kinh tế (KKT) Đông Nam và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 132 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 31 doanh nghiệp FDI. Có 9 doanh nghiệp từ 1.000 lao động trở lên.

Vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, số lao động tại 132 doanh nghiệp này là hơn 34.700 người. Tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc là 93%. Tới tuần làm việc thứ 2 chỉ còn 50-60% vào tuần làm việc. Cá biệt, một số doanh nghiệp chỉ có gần 40% công nhân đi làm.

Tại khu công nghiệp Vsip (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), thời điểm trước Tết, 21 doanh nghiệp đang sử dụng 13.000 lao động. Sau Tết, số lao động này chỉ còn hơn 7.000 người. Đặc biệt, hơn 3.000 lao động là F0 sau Tết Nguyên đán.

Tình trạng công nhân không quay trở lại làm việc và số công nhân bị COVID-19, công nhân thuộc diện F1 phải cách ly khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Riêng Công ty TNHH Luxshare-ICT đang cần từ 3.000-4.000 lao động và tuyển dụng hàng ngày.

Theo bà Trần Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Đông Nam Nghệ An, thống kê đến ngày 22/2, 51 doanh nghiệp thuộc KKT và các khu công nghiệp trong tỉnh có gần 5.000 lao động là F0. Dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Công nhân lo lắng, nhiều người tự ý nghỉ việc dẫn đến thiếu hụt lao động trầm trọng. Doanh nghiệp có nguy cơ đứt gãy, tạm ngừng sản xuất kinh doanh do không đáp ứng các đơn hàng cho đối tác.

Trước tình hình trên, ngoài việc đề nghị tỉnh hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người lao động, nghiên cứu thành lập các đơn vị thu dung, điều trị cho người lao động mắc COVID-19, các doanh nghiệp cũng đề nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn do thiếu công nhân trong thời điểm này. Đồng thời, các doanh nghiệp kiến nghị Nghệ An xem xét việc kết nối với các trường đào tạo nghề trên địa bàn để đưa học sinh, sinh viên đến thực tập, làm việc.

Trước đó, trong cuộc làm việc tìm giải pháp “gỡ khó” cho cách doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa đã yêu cầu các sở, ngành vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ các doanh nghiệp huy động công nhân quay lại nơi làm việc.

Ngoài việc khảo sát về cơ sở vật chất, nơi lưu trú, mức lương của công nhân để có phương án phù hợp thu hút lao động vào làm việc tại khu công nghiệp, Phó Chủ tịch tỉnh cũng giao Ban quản lý KKT Đông Nam và Khu công nghiệp Vsip Nghệ An phối hợp khảo sát, điều tiết mặt bằng chung về thu nhập cho người lao động tại các khu công nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, Ban quản lý KKT Đông Nam cho biết đang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh và các địa phương hỗ trợ công tác kết nối cung - cầu lao động, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho các doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo bà Trần Thị Nguyệt, giải pháp căn cơ nhất để thu hút và giữ chân người lao động chính là vấn đề tiền lương. UBND tỉnh cần khuyến khích các nhà đầu tư điều chỉnh tăng lương cơ bản cho người lao động bởi hiện mức lương và thu nhập bình quân của người lao động làm việc tại Nghệ An vẫn còn thấp hơn so với các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, trong khi chỉ số giá tiêu dùng, sinh hoạt phí ở mức cao.

Đọc thêm