Áp lực học sinh tiểu học: Không phải điểm số mà là bệnh thành tích

(PLO) - Mặc dù đã qua tuổi thất thập nhưng PGS.TS Vũ Trọng Rỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam vẫn say mê nghiên cứu khoa học giáo dục đặc biệt là cải cách giáo dục. PGS.TS Vũ Trọng Rỹ đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết xung quanh vấn đề phát triển năng lực học sinh cùng các giải pháp cải cách công tác đào tạo giáo viên phổ thông.
Học sinh tiểu học khó giảm áp lực bởi bệnh thành tích? (ảnh minh họa)
Học sinh tiểu học khó giảm áp lực bởi bệnh thành tích? (ảnh minh họa)

Có giảm áp lực về điểm?

- Cho đến nay, Thông tư 30 đánh giá học sinh tiểu học  đã thực hiện được 2 năm, được biết nhóm nghiên cứu của Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam đã tiến hành một cuộc khảo sát ở một số tỉnh, thành phố về thực trạng thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30, xin PGS cho biết kết quả của cuộc khảo sát này?

- Nhóm nghiên cứu của Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam đã tiến hành phỏng vấn một số trưởng, phó phòng giáo dục của các quận, huyện; trưởng, phó phòng tiểu học của Sở GD-ĐT và hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của 30 trường tiểu học của Hà Nội, Hải Dương và Hòa Bình. Đồng thời chúng tôi cũng phỏng vấn gián tiếp bằng phiếu hỏi và tọa đàm trực tiếp với 630 GV tiểu học ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Đà Nẵng. Sau khi tiến hành khảo sát, nhóm nghiên cứu đã thu được một số kết quả. 

Tóm tắt lại, đối với những khó khăn của giáo viên (GV) trong quá trình thực hiện Thông tư 30, kết quả xử lý phiếu hỏi cũng như tổng hợp ý kiến của GV trong tọa đàm cho thấy 92,5% số GV được hỏi, đặc biệt GV ở vùng nông thôn đều khẳng định thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 vất vả hơn nhiều so với trước đây bởi GV phải mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh.

Riêng GV dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục thường dạy nhiều lớp nên phải nhận xét hàng hai ba trăm học sinh trở lên nên rất vất vả, trên thực tế họ cũng không có điều kiện theo dõi từng học sinh. GV gặp khó khăn trong việc nhận xét kết quả học tập của học sinh vì thiếu kỹ năng diễn đạt, tìm từ ngữ sát hợp với từng trường hợp cụ thể để không bị trùng lặp. GV gặp khó khăn khi thực hiện xét khen thưởng học sinh cuối học kỳ 1 và cuối năm học.

Trả lời câu hỏi “Sau một thời gian thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 thì kết quả học tập của học sinh như thế nào?”, có 48,6% GV cho rằng, kết quả học tập của số đông học sinh không có gì thay đổi; 39,2% cho rằng kết quả học tập của học sinh thấp hơn trước; chỉ có 12, 2% số ý kiến cho là kết quả học tập của số đông học sinh cao hơn trước.

Các cán bộ quản lý đã kiến nghị tiếp tục thực hiện Thông tư 30 nhưng cần có sự điều chỉnh một số quy định cho phù hợp với thực tế. Cần phải đảm bảo tính thống nhất trong đổi mới đánh giá học sinh trong toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông, không nên chỉ có cấp tiểu học mới đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Còn GV thì kiến nghị nên trở lại đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng cách cho điểm…

PGS.TS Vũ Trọng Rỹ
PGS.TS Vũ Trọng Rỹ

- Bộ GD-ĐT vừa có Thông tư 22/2016/TT -BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học trong Thông tư 30, PGS có thể cho biết ý kiến của mình về Thông tư mới này?

- Theo tôi, việc chỉnh sửa Thông tư 30 là một việc thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị của Bộ GD&ĐT. Thông tư 22 chỉnh sửa, bổ sung 13 điều và bỏ đi 4 điều trong tổng số 20 điều ở Thông tư 30. Chẳng hạn như, theo quy định mới, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh. Chỉ riêng việc này thôi, chắc chắn sẽ được GV rất hoan nghênh vì nó loại bỏ được bao sự phiền toái, cực nhọc đối với GV.

Theo Thông tư mới, việc đánh giá định lượng được tăng cường hơn ở lớp 4, 5. Đối với lớp 4, lớp 5, có thêm bài kiểm tra định kì môn Tiếng Việt, môn Toán vào giữa học kì I và giữa học kì II. Đây là điểm thay đổi quan trọng nhằm giúp GV, cán bộ quản lí giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh với hai môn học này. Học sinh qua đó cũng được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo.

Đặc biệt, Thông tư mới quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức:  Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức Đạt và Chưa đạt). Như vậy, Thông tư 22 có nhấn mạnh đến đánh giá kết quả học tập và năng lực phẩm chất của học sinh. Tuy nhiên, tại sao lại tách kết quả học tập ra khỏi năng lực. Nếu đã đánh giá được năng lực thì nó phải thể hiện ra trong học tập.  

Theo tôi hiểu, một trong những mục đích của đổi mới đánh giá học sinh tiểu học lần này là giảm áp lực trong học tập cho học sinh. Bản chất của việc gây áp lực cho học sinh trong học tập không phải là vì đánh giá bằng điểm số mà vì bệnh thành tích. Bệnh thành tích là căn bệnh trầm kha của cả xã hội, không chỉ của riêng ngành Giáo dục. Chính căn bệnh này đã tạo ra áp lực trong học tập cho học sinh, nhất là học sinh nhỏ tuổi. Nếu chúng ta khắc phục được bệnh thành tích, đồng thời làm cho GV ý thức đầy đủ triết lý “Đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh”, không dùng điểm số làm phương tiện trừng phạt, trù dập học sinh hoặc vụ lợi cho bản thân thì cho điểm hay không cho điểm sẽ không tạo ra áp lực cho học sinh. 

Thông tư 22 cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của GV, tuy nhiên cũng còn có điểm chưa rõ, GV khó thực hiện. Chẳng hạn,  đánh giá về học tập, khi đánh giá kết quả giáo dục vào cuối kỳ, cuối năm, GV kết hợp đánh giá thường xuyên (bằng nhận xét) với đánh giá định kỳ bằng điểm số như thế nào để xếp học sinh vào một trong 3 mức? 

- Được biết, PGS đã tham gia chủ trì một đề tài nhánh trong khuôn khổ đề tại độc lập cấp nhà nước “Đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo GV phổ thông” do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước làm chủ nhiệm đề tài. Những giải pháp mà đề tài đã đề xuất nhằm cải cách công tác đào tạo GV phổ thông là gì, thưa PGS? 

- Trên cơ sở nghiên cứu, đề tài đã chỉ ra được cần thực hiện cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV nhằm kiến tạo các điều kiện để đội ngũ nhà giáo thật sự là nhân tố bảo đảm công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục thành công. Các điều kiện đó là: một hệ thống cơ sở đào tạo GV bảo đảm yêu cầu nhân lực ngành giáo dục, một mô hình đào tạo thật sự phát triển phẩm chất, năng lực chuyên nghiệp ở những thanh niên đã chọn nghề thầy, một thang bảng lương và chế độ phụ cấp tạo được động lực cho nhà giáo, một hội nghề nghiệp có tác dụng thúc đẩy tiến trình chuyên nghiệp hóa nghề dạy học và một đạo luật làm cơ sở pháp lý cho việc nâng cao phẩm chất, năng lực của mỗi cá nhân cũng như của cả đội ngũ GV. 

Xin cảm ơn PGS!

Đọc thêm