Báo chí Việt Nam 30 năm đổi mới: Tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức

(PLO) - Ngày 29/12, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia “Báo chí 30 năm đổi mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” nhằm ghi nhận chặng đường lịch sử có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu sự đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng qua Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/2016). Trên nền tảng này, báo chí cũng góp phần mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thông qua hình thức tuyên truyền, cổ vũ đưa những chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng đến gần với dân.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Dù vậy, trong quá trình tự đổi mới để hoàn thiện mình, báo chí cũng bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Phân tích sâu hơn quan điểm này, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, nhiều thông tin còn thiếu tính định hướng, nặng về mặt trái. Khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ vẫn chậm được khắc phục. Còn nhiều thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn được một số ấn phẩm phụ, chuyên trang đăng tải. Nhiều chương trình liên kết của các đài truyền hình còn dễ dãi trong khâu biên tập, có nội dung, lời thoại phản cảm, gây bức xúc trong xã hội.

Trên khía cạnh quản lý và định hướng, PGS. TS. Phạm Văn Linh - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Cùng với cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiệm vụ, trách nhiệm nặng nề, đặc biệt là yêu cầu tuyên truyền, đưa Nghị quyết Đại hội XII và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương vào cuộc sống. Và để làm được những điều này, vai trò của báo chí trong xã hội hiện đại là hết sức cần thiết.

Xoay quanh vấn đề đổi mới và đạo đức báo chí, nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nêu ra thực trạng: “Ngay từ bản quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí năm 1995 đã có nói đến sự liêm khiết của nhà báo. Nhưng ngày nay, tình trạng người làm báo ngồi nhà gõ máy “đạo báo, đạo văn” ngày càng nhiều. Luật Sở hữu trí tuệ đã ban hành nhưng việc cắt dán, bê nguyên xi tác phẩm của người khác vẫn diễn ra ngày càng nhiều. Không ít nhà báo nhận lương báo này nhưng làm cho báo khác là chính”.

Bổ sung quan điểm này, trong tham luận của Đại tá Đào Xuân Bộ - Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân cũng nhấn mạnh, giữa nhận thức và hành động, giữa nói và làm luôn có những lằn ranh mong manh, dễ bị những “viên đạn bọc đường” chi phối. Thế nên mới có nhà báo thành danh đánh mất mình trong phút chốc. Đôi khi sự sa ngã đến từ tư tưởng, từ mâu thuẫn trong công việc và đáng buồn hơn chỉ vì miếng cơm, manh áo.

Bày tỏ những trăn trở của mình, nhà báo Nguyễn Vân Chương - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên cho biết, có hai vấn đề mà nhà báo cần quan tâm là trách nhiệm xã hội và tính chuyên nghiệp. Phẩm chất thể hiện trách nhiệm xã hội của nhà báo còn năng lực thể hiện tính chuyên nghiệp. Trách nhiệm xã hội buộc nhà báo phải viết trung thực, khách quan, vì lợi ích cộng đồng. Còn một nhà báo có tính chuyên nghiệp thì đó phải là người có hiểu biết về pháp luật và thể chế.

* Trong khuôn khổ Hội nghị, Hội Nhà báo Việt Nam – trong vai trò Chủ tịch Liên đoàn các nhà báo ASEAN (CAJ) tổ chức Lễ trao Giải ảnh báo chí “ASEAN – Một cộng đồng” cho các tác giả thuộc CAJ. Qua ống kính của các nhà báo, cuộc sống giàu bản sắc riêng của mỗi quốc gia, vùng miền đã được khắc họa rõ nét. Từ đây, tôn lên tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân các nước ASEAN. 87 bức ảnh đẹp, đặc biệt là 10 tác phẩm tiêu biểu dành giải thưởng đã được Ban tổ chức tiến hành treo triển lãm. 

Đọc thêm