Chợ Giát là chợ huyện lớn nhất khu vực huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Đây cũng là chợ phiên trâu, bò có tiếng của vùng đất xứ Nghệ, từng được nhà văn Nguyễn Minh Châu đưa vào làm bối cảnh trong truyện ngắn “Phiên chợ Giát”.
Chợ phiên họp vào các ngày chẵn trong tháng, khi ấy tất cả hàng hóa các nơi được tập trung đưa về để mua bán, trao đổi.
Phiên chợ Giát không chỉ là nơi bán buôn mà còn là nơi giao lưu văn hoá, trao đổi. Mới sáng tinh mơ, khi sương mai còn phảng phất, mờ ảo chưa thấy rõ mặt người, bà con đã từ các ngã đường nườm nượp đổ về chợ phiên.
|
Nhiều bạn trẻ tranh thủ những ngày nghỉ giáp Tết để đi chợ Giát |
Ngày xưa, chợ Giát không chỉ là nơi giao thương của người dân huyện Quỳnh Lưu mà còn cho các vùng lân cận như Yên Thành, Diễn Châu (Nghệ An). Với những người thôn quê, đi chợ phiên, chợ xuân như niềm vui được tặng thưởng sau những ngày làm lụng mệt nhọc, vất vả.
Ở chợ huyện này, không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn ngồi bán thúng bánh đa, hàng trầu cau, mẹt thuốc lào, bánh trái dân dã.
|
Màu sắc rực rỡ từ cửa hàng bán hoa trong chợ |
Vào tháng Chạp, chợ được họp liên tục cho đến 30 Tết. Trong đó ngày 30 Tết được xem là phiên chợ con nít. Vào ngày này, bố mẹ, ông bà dành thời gian dắt con cháu đi chợ, để được sắm quần áo mới, mua đồ chơi, kẹo bánh, bong bóng, chơi trò chơi…
Bởi vậy, mỗi năm một lần, được đi chợ Tết là cả một niềm háo hức, mong chờ đối với đám trẻ con. Tại đây, những đứa trẻ như nhìn mọi thứ ở chợ như một thế giới kỳ diệu. Có tiếng nhạc Tết phát ra ở những cửa hàng băng đĩa, có những chùm bóng bay rực rỡ xanh đỏ tím vàng, có nhiều đồ chơi, trò chơi và hàng quà bánh. Đám trẻ con đi theo bố mẹ vào chợ Tết không dám đòi mua tất cả, chỉ cần mấy cái bong bóng để thổi, để về khoe với đám bạn, còn lại, đứng nhìn mọi thứ đã vui rồi.
|
Ở chợ Giát, không khó để bắt gặp hình ảnh các cụ bà ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn ngồi bán mẹt thuốc lào, bánh trái dân dã. |
Qua thời gian, chợ Giát bây giờ đã đông đúc, sầm uất, có một số mặt hàng đúng phiên chợ truyền thống mới bán buôn như gia súc, trâu bò, hàng thủ công… còn lại đa số hàng hóa được bày bán quanh năm.
Thế nhưng, những ngày giáp Tết, như một thói quen, một cái hẹn không thể bỏ quên, người lớn gác lại công việc bề bộn, tranh thủ đưa con cháu đi chợ Tết. Bởi đó là ký ức, nét đẹp văn hóa mỗi năm chỉ có một lần.