Những ngày cuối năm tất bật, bố ngồi chẻ lạt, mẹ lụi cụi rửa lá, vo gạo, đãi đậu… Còn chị em tôi, đứa lau lá cho mẹ, đứa tròn mắt xem bố thắt những luộc lạt nuột nà, đứa chuẩn bị nồi luộc bánh, đứa tranh thủ vun vén góc sân, góc vườn… Năm nào cũng vậy, việc gói bánh chưng luôn là hoạt động quan trọng nhất của những ngày chuẩn bị Tết.
Bao giờ cũng thế, có năm mẹ gói nhiều gạo, năm ít hơn, nhưng dù thiếu, dù đủ, bố mẹ tôi luôn để dành gói cho chúng tôi những cái bánh con con. Sau một ngày tất tả, một đêm ấm cúng cả nhà sum vầy bên đống lửa, sáng 30, tôi có hai chiếc bánh chưng bằng cổ tay, tòng teng gánh trên chiếc đòn gánh nhỏ chạy khoe khắp xóm…
Từ ngày tôi nhớ được, dường như chẳng năm nào nhà tôi không gói bánh chưng con. Con lớn thì đến cháu, những cái bánh chưng con như một sự trìu mến không nói hết lên lời cho những đứa bé trong nhà. Những đứa cháu tôi bây giờ có đứa đã ngoài 20, đã có thể ngồi gói bánh cùng người lớn, cũng vẫn háo hức với chiếc bánh chưng con.
Chúng không có niềm vui như tôi ngày xưa để chạy khoe chúng bạn. Cũng không phải vì chiếc bánh con con là cái cớ để được thưởng thức trước khi Tết kịp ùa về. Chúng lấy bánh mang tặng người yêu, như truyền lại một chút tình rất riêng của gia đình cho người trong tim chúng.
Nhưng điều đáng buồn là dường như những "thanh niên thời đại" như chúng dửng dưng với Tết. Cháu tôi chỉ về nhà khi phố xá đã vắng hoe người, thành phố như muốn “đuổi” hết những người có quê về với quê ngày Tết. Khi chúng về, hương Tết đã lên mùi. Chúng "à!ồ!" với những giò đào, bánh chưng... có thể khen, có thể chê tùy khẩu vị món, tính nết của từng đứa. Chúng đâu cảm nhận được cái "hương Tết" quyến rũ và gây nghiện của những ngày hối hả cuối năm ở quê.
Nhà tôi toàn con gái. Vì thế, từ bé tôi đã tự nhủ mình phải cố gắng làm hết được những công việc gia đình của người đàn ông. Tôi thích quẩn quanh bên bố tôi những lúc bố tôi chuẩn bị gói bánh. Giang phải được chẻ thế này, lạt giàng bánh phải buộc kiểu đấu đầu, lạt dóng phải thắt hình chữ thập... Mỗi khi Tết đến tôi lại được nhẩn nha học lại bài cũ đến mức thuộc lòng mà năm nào cũng thấy hứng thú.
Rồi bố tôi bỏ lại Tết. Cái Tết đầu tiên vắng bố. Tôi một mình ôn lại bài học cũ. Cố gắng để chứng minh với bố là con gái bố đã có thể lo được Tết đủ đầy như khi còn bố. Vậy mà 4 góc chiếc bánh, chỉ còn một chiếc lá cho góc cuối cùng, tôi không biết xếp làm sao để được êm ả như bố vẫn làm. Hớt hải chạy cả làng không hỏi được ai, lúc đó mới thấy hụt hẫng và mất mát vô cùng. Nước mắt nhạt nhòa nhìn di ảnh bố hiền từ trên ban thờ…
Đến cái Tết thứ 3 không có bố, tôi đã có thể tự gói bánh chưng. Những góc bánh đã êm ái, đầy đặn. Nhưng sao vẫn không thể lấy lại cái không khí tròn trịa, đầm ấm của những ngày xưa cũ.
Những ngày về Tết tôi lao đầu vào bếp đến tối tăm mặt mũi. Nào gói bánh, nào làm giò, làm mứt, làm dưa món…. Vì cái gì tôi cũng chẳng biết nữa. Nhiều khi nghĩ cứ tự làm khổ mình khi tất cả mọi thứ có thể mua. Tôi sợ những ký ức về Tết ngày xưa ùa về nghẹn ngào? Sợ cái cảm giác hãi hùng của một ngày gần Tết khi thảng thốt nghe tiếng bố gọi tên mình một cách khác thường vào buổi sáng ngày dự định gói bánh...? Tôi sợ phải đối diện với những sự sum vầy, sợ phải đối diện với những khoảng trống bên cạnh…
Ở quê những ngày gần Tết, thấu hiểu và thấm thía những gì bố mẹ đã làm vì mình, từ những điều tưởng chừng như vô nghĩa. Để rồi thấy mình là một người mẹ đầy lỗi lầm với con.
Tôi chuộc lỗi với con bằng những chiếc bánh chưng con con, những bộ quần áo mới... cho ngày Tết. Chẳng biết sau này con tôi có cảm nhận được những gì mẹ muốn gửi gắm không? Chúng có thấy lòng quặn thắt khi nhớ đến tôi trong những ngày cuối năm như thế này không!