Những uẩn khúc sau một cái chết

(PLO) - Không cam lòng với nhận định của cơ quan chức năng rằng anh Lô Đình Thưởng (trú thôn Khu Chợ, xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) bị tai nạn giao thông mất, gia đình anh đã chỉ ra hàng loạt uẩn khúc đã không được Công an huyện Na Rì làm rõ.

Cơ quan điều tra dựng lại hiện trường, tiến hành thực nghiệm điều tra.
Cơ quan điều tra dựng lại hiện trường, tiến hành thực nghiệm điều tra.
Tai nạn hay bị đánh chết?
Trình bày với Báo PLVN, ông Lô Văn Hân, bố của nạn nhân Lô Đình Thưởng cho biết, vào khoảng 3h sáng ngày 01/6/2015, anh Thưởng nhận được cuộc điện thoại của ông Nông Văn Hằng (là người cùng thôn) gọi đi xuống thôn Nà Cà (xã Dương Sơn, huyện Na Rì) để chở gỗ thuê cho ông Hùng (ở khu chợ xã Xuân Dương), tiền công 300.000 đồng/chuyến. 
“Trước khi đi, hai người đã thì thầm với nhau chuyện gì ở ngoài cửa, sau đó con tôi quay vào nhà cầm theo hơn 15 triệu đồng, con dâu tôi chứng kiến sự việc đó. Khi đi, Thưởng còn dặn vợ chỉ đi 15 phút rồi về. Nhưng khoảng 4 giờ sáng ngày 01/6/2015, tôi nhận được điện thoại của ông Hằng nói Thưởng bị tai nạn chết rồi và yêu cầu tôi đến ngay hiện trường. Khi xuống đến nơi, tôi thấy con nằm ở ven đường nhựa, người bê bết bùn, thậm chí không nhận nổi ra là con trai tôi. Khi đó, ông ông Hằng nói với tôi rằng, đang đi ông Hằng dừng xe nghe 3 cuộc điện thoại nên anh Thưởng vượt lên trước. Khi ông Hằng đi đến nơi đã thấy anh Thưởng rơi xuống bùn ở ven đường. Sau đó ông Hằng vớt anh Thưởng lên, kiểm tra thấy anh Thưởng đã tắt thở mới gọi điện báo cho tôi”- ông Hân cho biết
Tin lời ông Hằng, gia đình đã đưa thi thể anh Thưởng về nhà và không thông báo với cơ quan công an. Về nhà, khi tắm rửa thi thể cho con tôi xong mới phát hiện con tôi bị vỡ xương đầu, gãy cằm trái, xước má trái, rách mi mắt phải và số tiền 15 triệu đồng cũng đã biến mất.
Đang băn khoăn thì chiều cùng ngày, gia đình nghe thông tin lao xao rằng có người thấy anh Thưởng không phải bị tai nạn chết mà bị đánh chết, bị cướp của. Vì thế, gia đình đã yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Na Rì khám nghiệm tử thi anh Thưởng.
Bất thường lời khai bất nhất
Sau khi khám nghiệm tử thi xong, Công an huyện Na Rì đã gọi ông Nông Văn Hằng lên UBND xã Xuân Dương để lấy lời khai. Lúc này, ông Hằng vẫn khai là anh Thưởng tự ngã xe chết nhưng không giải thích được tại sao ngã dưới bùn mà lại vỡ đầu, gãy cằm…
“Một ngày sau đó (02/6/2015), tôi nhận được thông tin ông Hằng đã đến Công an huyện Na Rì khai báo với cơ quan công an là con tôi chết do đèo gỗ (6 thanh gỗ, mỗi thanh dài 2,8m). ông Hằng bảo con tôi buộc gỗ lên xe rồi về trước, còn ông Hằng sang nhà khác lấy gỗ rồi về sau… Khi xe của con tôi nổ máy nhưng không được và chết máy hai lần trong sân, lần 3 nổ máy  ra khỏi sân nhà ông Ngọn (thôn Nà Cà) thì bị chết máy và đã lao xuống rãnh mương vệ đường. Khi đó, ông Hằng còn giữ đuôi xe của con tôi” – ông Hân cho biết.
Như vậy, trong hai ngày sau khi xảy ra sự việc, ông Hằng đã liên tục thay đổi lời khai với cơ quan công an. Cụ thể, chiều ngày 01/6/2015, cơ quan công an hỏi “Khi Thưởng chết có đèo gỗ không?” thì ông Hằng nói: “Tôi chưa chỉ chỗ lấy gỗ thì Thưởng làm gì có gỗ mà lấy”, tức là khẳng định anh Thưởng chết không phải do gỗ đè. Thế nhưng ngày hôm sau ông Hằng lại khai với cơ quan công an là anh Thưởng chết do chở gỗ….
Những uẩn khúc cần làm rõ
Chính vì những nghi vấn về tính hợp lý giữa việc anh Thưởng bị tai nạn với dấu vết trên thi thể nạn nhân cùng những lời khai bất nhất của người liên quan là ông ông Hằng, gia đình nạn nhân càng băn khoăn khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Na Rì thông báo không khởi tố vụ án hình sự do “không có dấu hiệu tội phạm cố ý trực tiếp gây ra cái chết của Lô Đình Thưởng”, với nhận định “Buộc gỗ xong, Thưởng điều khiển xe mô tô xuống đường, còn ông Hằng đi phía sau giữ. Do gỗ nặng và cồng kềnh, xe mất lái làm Thưởng điều khiển xe và gỗ lao xuống mương, dây buộc gỗ bị đứt khiến gỗ đập vào phần đầu và gáy của Thường dẫn đến vỡ xương hộp sọ gây tử vong”.
Theo trình bày của ông Hân, “nếu là cái chết không uẩn khúc tại sao ông Hằng phải gian dối?”, “nếu Thưởng chết do gỗ đè tại sao ông Hằng không giữ nguyên hiện trường, liên tục thay đổi lời khai?”. “Việc ông Hằng khai xe đổ, khi dựng lại hiện trường cũng không hề thuyết phục. Cụ thể, sau 3 lần dựng lại hiện trường, thực nghiệm cho thấy không lần nào gỗ có thể đổ tác động đủ vào người dẫn đến cái chết của người chở gỗ. Vả lại, qua khám tử thi vào buổi tối lúc 20h ngày 1/6/2015 tôi trực tiếp thấy và nghe qua biên bản thì con tôi chỉ thấy bị gẫy cằm trái, rách mi mắt trái, vỡ đầu nhiều đường phức tạp, còn lại toàn thân không có một vết bầm tím, viết xước da nào trên cơ thể”.
Nếu xe chở gỗ mà bị ngã gây ra chết người thì xe phải hỏng hóc như là vỡ yếm, bị xước..., nhưng khi kiểm tra thì xe vẫn còn nguyên và còn chở 3 người, trong đó có nạn nhân Thưởng đã chết và ông Hằng là người ngồi đằng sau xe bế nạn nhân.
Hơn nữa, số tiền 15 triệu đồng nạn nhân mang theo người không thể do người đi đường lấy mất, vì khi đó mới 3h- 4h sáng. Chi tiết vị trí và tình trạng đôi dép nạn nhân mang khi bị nạn cũng có nhiều nghi vấn. Theo trình bày của ông Hằng, có 03 cuộc điện thoại trước khi ông chứng kiến Thưởng chết…, vậy có thực 03 cuộc điện thoại này hay không? Nếu có, ai là người gọi cho ông Hằng lúc rạng sáng đó? Đây là tình tiết cơ quan công an dễ dàng xác minh qua nhà mạng nhưng đã không thực hiện và thông báo cho người nhà nạn nhân để góp phần làm sáng tỏ vụ việc.
“Người chết thì đã chết, không có cách nào thay đổi được, nhưng xung quanh cái chết của con trai tôi còn nhiều uẩn khúc, vì vậy chúng tôi mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét, vào cuộc để làm sáng tỏ cái chết của con tôi, vừa để cháu an lòng nhắm mắt, vừa để những người sống được minh tường” – ông Hân bày tỏ.