Nữ doanh nhân có tấm lòng nhân ái

(PLVN) - Xuất ngũ, bà Thêm trở về đời thường và khởi nghiệp kinh doanh khi tuổi đã xế chiều. Thương trường khắc nghiệt nhưng người phụ nữ ấy vẫn luôn tâm niệm kinh doanh phải lấy chất lượng lên hàng đầu và luôn hướng về những người gặp khó khăn trong cuộc sống...
Bà Bùi Thị Thêm nữ doanh nhân thành đạt, giàu lòng nhân ái
Bà Bùi Thị Thêm nữ doanh nhân thành đạt, giàu lòng nhân ái

Bà Bùi Thị Thêm (SN 1954) sinh ra và lớn lên bên bờ sông La, mảnh đất đậm đà làn điệu dân ca Ví Giặm. Năm 1971, mới học hết cấp 3, bà xung phong đi vào chiến trường, chiến đấu ở Xiêng Khoảng, nước bạn Lào, sau đó theo đơn vị về chiến trường Quảng Trị. 

Bà bị thương, sức khỏe yếu đi, năm 1973, bà ra quân về học trung cấp lâm nghiệp rồi vào làm tại Sở Xây dựng Nghệ An do quê chồng ở huyện Nghi Lộc (nay là TX Cửa Lò). Năm 1980, Bộ xây dựng xây dựng nhà nghỉ cho tại TX Cửa Lò, bà làm đơn xin về đây làm việc, và được phân công làm chủ tịch công đoàn. 

Năm 2007 bà về nghỉ hưu theo chế độ. Với kinh nghiệm gần 27 năm quản lý khách sạn, bà bàn cùng chồng mở nhà hàng. Sau 2 năm kinh doanh, hoàn vốn và tích cóp được ít nhiều, bà lại bàn với xây dựng khách sạn. 

Ban đầu do dự vì vốn liếng bỏ ra nhiều mà không biết có thu về được không khi tuổi đã cao nhưng cuối cùng, vợ chồng bà vẫn quyết tâm "làm ăn lớn".

Thiếu vốn trầm trọng trong quá trình xây khách sạn, bà vay mượn bạn bè, thậm chí mượn Sổ đỏ của người thân để tiền ngân hàng. 6 phòng khách sạn được dựng lên, ba năm sau phát triển thành khách sạn 2 tầng, rồi  xây lên 5 tầng. Năm 2018 bà nâng lên 7 tầng. 

Bà Bùi Thị Thêm dự Hội nghị những doanh nhân sản xuất, kinh doanh giỏi do Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam tổ chức
 Bà Bùi Thị Thêm dự Hội nghị những doanh nhân sản xuất, kinh doanh giỏi do Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam tổ chức

Đến nay vợ chồng bà Thêm có 2 khách sạn 7 tầng với 60 phòng nghỉ nằm trên đường Nguyễn Sư Hồi, thuộc khối 1, phường Thu Thủy, TX Cửa Lò. Khách sạn Tiến Thêm của bà thành một thương hiệu nổi tiếng mà nhiều đoàn khách ở Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, TP HCM… ghé đến mỗi khi về Cửa Lò nghỉ dưỡng, tắm biển.

Mỗi năm, khách sạn của bà đón gần 1,5 triệu lượt khách từ trong và ngoài nước. Bà Thêm thành một doanh nhân tiêu biểu của TX Cửa Lò, Hội phụ nữ, Hội CCB, Hội Người cao tuổi thường mời bà dự các hội nghị, tọa đàm, báo cáo kinh nghiệm sản xuất kinh doanh giỏi.

Tại thị xã Cửa Lò, bà Bùi Thị Thêm được ca ngợi là một doanh nhân sản xuất kinh doanh thành đạt, có tâm, có đức rất tốt. Bà là một tấm gương để nhiều người học tập.

Bà Thêm chia sẻ: “Kinh doanh nhà hàng, khách sạn ở đây cạnh tranh quyết liệt, tôi nghĩ tôi thành công là nhờ mình xem khách như người nhà, tận tâm, phục vụ họ. Trong kinh doanh lấy chất lượng hàng đầu. Mỗi đoàn khách đến tôi đến từng phòng thăm hỏi mỗi người, họ có yêu cầu gì phục vụ chu đáo. Khi họ ra về tôi đều xin ý kiến góp ý, mạnh phát huy, yếu khắc phục bằng được. Nhân viên phòng và trưởng phòng được đào tạo cơ bản”.

Bà cho biết thêm, nhân viên trước khi nhận buồng, nhận phòng đều hướng dẫn cách giao tiếp, cách phục vụ. Bà chọn đầu bếp là người giỏi có kinh nghiệm, bà còn cho con đi học các lớp nấu ăn về quản lý các đầu bếp, quản lý nhân viên phục vụ nhà hàng.

“Nhà hàng của tôi luôn đông khách nhờ luôn coi trọng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thực phẩm đều rõ nguồn gốc, tươi sống. Các món nướng như: tôm, mực, cá của nhà hàng  tôi có hương vị riêng, ít nhà hàng nào có được, là nhờ cách tẩm ướp thực phẩm. Có không ít khách hàng ăn lâu thành nghiện”, bà Thêm nói.  

Sinh ra trong một gia đình kinh tế khó khăn, lớn lên được quân đội rèn luyện, bà Thêm cho rằng, thành công hôm nay là nhờ bạn bè, đồng đội, nhân dân trong địa bàn ủng hộ, góp sức. "Những lúc kinh doanh gặp khó khăn nhất thì lúc đó được người dân, bạn bè, đồng đội ủng hộ nên khi tôi luôn coi trọng để chia sẻ với những người không may gặp hoạn nạn, chia sẻ với tổ chức, đoàn thể", bà giãi bày.

Mỗi năm bà thường trích tiền từ lợi nhuận kinh doanh để làm từ thiện ủng hộ người nghèo như gửi hàng chục suất quà cho các tổ chức hội để tặng những người trong địa phương có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết đến xuân về. Bà cũng nhận nuôi một cháu bé bị mồ côi bố trong địa phương tiếp tục đến lớp học cùng bạn bè. Vận động quyên góp tiền để đưa thi hài của một người dân địa phương mất khi đi xuất khẩu lao động tại Malaysia.

Thời điểm khi bà con huyện Hương Khê (Hà Tĩnh ) bị lũ lụt, bà đã cùng các phật tử chùa An Lạc đến những xã khó khăn trao tận tay quà cho mọi người để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn.

“Mong muốn lớn nhất của tôi truyền đạt lại những gì góp nhặt được trong kinh doanh cho thế hệ trẻ, để họ làm việc giỏi hơn tôi, có như thế xã hội mới phát triển. Tôi luôn dạy các con trong kinh doanh phải xem chất lượng, trước lợi nhuận, đó là bí quyết bố mẹ vượt qua khó khăn, phát triển như ngày nay”, bà tâm sự.

Đọc thêm