Phần trăm "hoa hồng""náo loạn"trường học đầu năm

(PLO) - Nhiều trường học bị biến thành nơi tiếp thị, chào hàng cho các sản phẩm sách, vở, đồ dùng học tập, đồng phục, dịch vụ du lịch, thậm chí là cả thức ăn, đồ uống. Không ít doanh nghiệp đã “độc chiếm” các trường học để phân phối sản phẩm.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Nhà trường làm “đại lý” 
Câu chuyện không chỉ “gói” trong phạm vi trường với thẩm quyền của hiệu trường mà nhiều trường hợp còn có “chỉ đạo” từ cấp Sở đến cấp Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Tại một số trường học ở Hà Nội, khi năm học cũ chưa kết thúc, kết quả học tập sau kỳ kiểm tra chất lượng cũng chưa có nhưng học sinh và phụ huynh đã nhận được thông báo về việc mua, bán sách giáo khoa cho năm học sắp tới.
Trên Cầu Giấy, Phòng GD&ĐT quận này đã gửi công văn xuống các trường với nội dung: “Phòng GD&ĐT quận sẽ phối hợp với công ty tổ chức kiểm tra theo dõi, đánh giá hiệu quả việc thực hiện Công văn số 4611 của Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm quản lý, giám sát không để sách in lậu phát hành trái tuyến do tư nhân tự ý đưa vào trường trên địa bàn mình quản lý”.
Việc cương quyết nói không với sách lậu là điều cần thiết, nhưng việc “lồng” tên một doanh nghiệp chuyên kinh doanh thiết bị trường học vào văn bản điều hành như gợi ý cho các trường mua sản phẩm “có địa chỉ” là điều không nên. 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, doanh nghiệp được đề cập là Cty TNHH MTV Sách - Thiết bị và Xây dựng trường học Hà Nội. Trước thực tế này, dư luận đặt dấu hỏi: Phải chăng doanh nghiệp nói trên đã được cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục tạo điều kiện để “bao sân” độc chiếm thị trường? 
Trao đổi với chúng tôi, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Cầu Giấy Nguyễn Anh Tuấn  nói rằng: “Nhà trường chỉ thông báo cung cấp sách, mang tính giới thiệu, còn phụ huynh học sinh muốn mua thì tự nguyện đăng ký chứ trường không có gì trong này cả”(?). 
Giải thích thì là vậy nhưng Công văn số 103 ngày 22/4/2015 do Trưởng phòng GD&ĐT quận này Phạm Ngọc Anh ký gửi các trường yêu cầu thống kê, chốt việc đăng ký mua sách chậm nhất vào ngày 5/5/2015 - thời điểm học sinh còn chưa tổng kết năm học, hiếm có phụ huynh nào “dám”  từ chối đăng ký mua sách cho con, em. Do vậy mới có câu chuyện bi hài của một học sinh mua sách chuẩn bị lên lớp 8, nhưng học lực yếu nên phải học lại lớp 7, sách đã mua đành gói cất tủ chờ năm sau.
Nhức nhối phần trăm “hoa hồng”
Có vẻ như môi trường giáo dục đang bị thương mại hóa khi các trường đứng ra tư vấn, định hướng tiêu dùng, đồng thời làm cầu nối cho một số doanh nghiệp cung cấp sách vở, đồ dùng học tập, đồng phục, thậm chí là dịch vụ tham quan du lịch, thức ăn và đồ uống... tới học sinh. Sự nhiệt tình nói trên phải chăng được giải thích bởi hai từ “hoa hồng”?
Một phụ huynh có con là học sinh lớp 3 năm nào cũng đăng ký mua sách “ủng hộ” nhà trường cho biết, sách được bán theo bộ, ngoài những cuốn theo quy định còn kèm theo một số cuốn tham khảo không cần thiết mà giá thành lại cao. “Con học ở đây thì mình mua ủng hộ thôi. Sách bán theo bộ, nếu lọc ra những quyển tham khảo không mua thì cũng ngại” – vị này bộc bạch. 
Ngoài sách giáo khoa, một số trường còn phát hành vở riêng, với lô-gô nhà trường nổi bật trên bìa và học sinh không có lựa chọn nào khác.  Nhiều phụ huynh bức xúc nhưng không dám lên tiếng vì sợ con em mình bị trù dập, chỉ biết giãi  bày trên các diễn đàn “làm cha, mẹ”. 
Có chị tâm sự rằng, con chị là học sinh giỏi của một trường tiểu học, được quỹ khuyến học của phường thưởng 15 cuốn vở chất lượng rất đẹp. Nhưng khi đem đến lớp để dùng, cô giáo thấy “khác giòng” nên không cho sử dụng, đành làm... vở nháp.
Qua tìm hiểu được biết, các doanh nghiệp khi bán hàng qua kênh trường học với số lượng lớn đều trích lại phần trăm. Khoản “hoa hồng” này có thể lên tới hàng chục phần trăm, đặc biệt đối với mặt hàng đồng phục. 
Cũng một phụ huynh ở Cầu Giấy cho biết, đầu năm học này, riêng tiền đồng phục nộp cho cậu con đang học lớp 5 đã lên tới gần 2 triệu đồng, với “2 bộ ngắn, 2 bộ dài, 2 bộ thể dục, 2 áo khoác” chất lượng thì “dở tệ, cho con mặc mà thương”. Với số tiền này, nếu ra ngoài sắm chị có thể mua được nhiều đồ hơn mà chất lượng đảm bảo.
Khi được hỏi về vấn đề quyền lợi của các nhà trường trong việc mua bán những sản phẩm nói trên, Phó Trưởng phòng GD&ĐTquận Cầu Giấy tỏ ra bối rối: “Cái đấy có thể là có... chắc chắn phải đưa ra một cái giá gì đấy để cho nhà trường đồng ý...”. Tuy nhiên, ông này lại tin rằng: “Hiệu trưởng chân chính sẽ không đánh đổi phần trăm này nọ”. 
Hiệu trưởng chân chính không đánh đổi phần trăm
“Cái đấy (phần trăm - PV) có thể là có... chắc chắn phải đưa ra một cái giá gì đấy để cho nhà trường đồng ý... Tuy nhiên, hiệu trưởng chân chính sẽ không đánh đổi phần trăm này nọ…” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy (Hà Nội).