Phượt thủ Đăng Khoa và 1.111 ngày vòng quanh thế giới

(PLVN) - Trần Đặng Đăng Khoa là dân văn phòng thứ thiệt, bắt đầu hành trình vạn dặm đầy cảm hứng vòng quanh thế giới trên xe máy từ ngày 1/6/2017 tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
Hành trình xe máy 1.111 ngày là những kỷ niệm, những vẻ đẹp tuyệt vời, những bản ngã vượt qua giới hạn của một người trẻ chạm tới ước mơ của mình…
Hành trình xe máy 1.111 ngày là những kỷ niệm, những vẻ đẹp tuyệt vời, những bản ngã vượt qua giới hạn của một người trẻ chạm tới ước mơ của mình…

Ba năm qua, Khoa trở thành hình ảnh đẹp đại diện cho một thế hệ trẻ lạc quan, tràn đầy năng lượng sống, ưa khám phá, dám dấn thân, đương đầu với khó khăn, thử thách để chinh phục ước mơ của mình. Theo chia sẻ của Khoa trên trang Facebook cá nhân, anh đã đi qua tất cả các châu lục trên thế giới, gồm châu Á, châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Úc, Nam Cực và châu Phi…

Bất ngờ ngày trở về

Dịch Covid-19 khiến Trần Đặng Đăng Khoa phải thay đổi kế hoạch đi vòng quanh thế giới vào sáng 15/6. Điểm đầu tiên đón anh sau ba năm xa quê hương là khu cách ly ở Hưng Yên.

Chuyến bay đặc biệt, nhiều cảm xúc này đã đưa Khoa về nước sau 1.110 ngày chu du khắp thế giới bằng xe máy kể từ ngày 1/6/2017, đã đến một cách bất ngờ và may mắn bởi trước đó anh nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục bị kẹt lại ở Mozambique vài tháng nữa, thậm chí tới cuối năm nay.

Khoa cho biết: “Cứ tưởng phải chôn chân ở Mozambique thêm vài tháng nữa, nhiều khi cuối năm mới có chuyến bay thương mại về nước. Không ngờ giữa tuần trước được Đại sứ quán Việt Nam tại Mozambique thông tin sắp có chuyến bay hồi hương của Hàng không Nam Phi phối hợp với đại sứ quán và các cơ quan hai nước, dành một số suất cho công dân của Việt ta tại Mozambique”.

Phượt thủ 8X gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của ông Lê Huy Hoàng, Đại sứ Việt Nam tại Mozambique cùng các nhân viên đại sứ quán, cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi. Khoa cho biết, để sắp xếp được chuyến bay này, Đại sứ Lê Huy Hoàng và sứ quán đã rất vất vả, mất ăn, mất ngủ chạy đua với thời gian.

“Thật tuyệt vời và cảm động vô cùng. Khoa viết - Đoàn mình cùng đoàn người Việt ở Nam Phi sẽ lên chuyến bay SA2986 trở về Hà Nội, tầm sáng 16/6 là tới. Vậy là chuyến đi này phải kết thúc một cách đột ngột do dịch bệnh, rồi ngày trở về cũng bất ngờ không kém”.

1.000 ngày là hơn 1.000 câu chuyện khác nhau, hơn 1.000 địa danh, con người, văn hóa nhiều không kể xiết ở khắp các nơi trên hành tinh nhỏ bé cô đơn này. Hành trình vạn dặm lăn bánh từ những sa mạc ở Trung Đông, đến những đất nước trên dãy Andes Nam Mỹ…

Từ những quốc đảo ngoài khơi Caribbean đến Ấn Độ Dương ở châu Phi. Từ những thành phố xa hoa tráng lệ ở hai bờ nước Mỹ rộng lớn khủng khiếp hay xứ Tây Âu, đến những ngôi làng nhỏ bé xinh xinh ở Đông Âu.

Từ những xứ sở băng tuyết lạnh giá ở Nam Cực đến những cánh rừng rậm ở Amazon, Khoa tâm sự trong bài đăng kỷ niệm 1.000 ngày của hành trình đi khắp thế giới của mình hồi tháng 2 vừa qua. Sang tháng 4, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, biên giới các nước đóng cửa, Khoa bị kẹt lại tại Mozambique suốt 2 tháng qua.

Trước đó anh dự định sẽ khám phá châu Phi, vòng qua các nước như Tanzania, Mozambique, Zimbabwe, Zambia, Rwanda, Malawi..., sau đó vòng lại khám phá châu Á và trở lại Việt Nam. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp khiến các nước đóng cửa biên giới, Khoa quyết định thay đổi kế hoạch một chút, dừng lại chuyến đi khắp thế giới ở Mozambique, khép lại chặng đường 3 năm chinh phục thế giới, đợi chuyến bay về Việt Nam.

Phượt xe máy qua 65 quốc gia, 80.000km

Đăng Khoa nói 1.000 ngày là hơn 1.000 câu chuyện khác nhau, hơn 1.000 địa danh, con người, văn hóa nhiều không kể xiết ở khắp các nơi trên hành tinh. 

Hành trình đầy phiêu lưu và trải nghiệm này đã cho Khoa đi qua “các quốc gia thật đa dạng, từ giàu đến nghèo, chính trị, văn hóa, tôn giáo khác nhau, băng qua những miền sa mạc nóng cháy da ở Pakistan và Iran đến vùng núi tuyết của Thụy Sĩ, ghé những ngôi làng hẻo lánh ở Azerbaijan đến những đại đô thị ở Ý, ăn những món chưa bao giờ ăn, chơi những môn chưa bao giờ nghĩ đến, ngắm nhìn những tòa lâu đài, di sản thế giới, công trình kiến trúc và cảnh quan nổi tiếng hay thấy trên tivi và cả những nơi đẹp đẽ chưa bao giờ nghe nói đến, gặp và trò chuyện với bao nhiêu con người thú vị”.

Cứ đặt chân tới một vùng đất mới, tiếp xúc với những con người, nền văn hóa khác nhau, Khoa lại nhận ra mình có quá nhiều mong ước và hoài niệm. Có những đất nước dù xa lạ, nhưng cảnh sắc làm chàng trai 30 tuổi gợi nhớ những điều thân thuộc của đất mẹ Việt Nam.

Khoa chia sẻ: Mà thôi, dù sao nhìn lại mình cũng vừa kịp lúc đã lăn bánh chiếc xe biển số Việt Nam qua tất cả các châu lục gồm Á, Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Úc và châu Phi, còn Nam Cực chỉ... đi tàu ra chứ không cho mang xe ra được, hoàn thành chặng đường khoảng 80.000km, bằng 2 lần chu vi trái đất, qua 65 quốc gia, băng qua lại đường xích đạo 8 lần, tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau từ những nước rất phát triển như Bắc Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ đến những nước nghèo khó ở châu Phi, Trung Mỹ, rồi vùng Trung Đông, Nam Mỹ, châu Đại Dương, những nơi xa xôi, hẻo lánh như Amazon, Greenland hay đảo Svalbard ở sát Bắc Cực, xuống nơi tận cùng thế giới ở Patagonia rồi xuống luôn cả châu Nam Cực, những hoang mạc rộng lớn giữa lòng nước Úc, từ những ngôi làng hoang vắng không ai biết đến những đại đô thị như New York, Paris, Seoul, Sydney, Berlin, Rome, Toronto, Chicago, Los Angeles, San Francisco, nhiều nơi không kể xiết.

Bà con nhìn hình thấy sướng nhưng thật ra mình vừa đi vừa lo đủ thứ dọc đường, đúng nghĩa sống trên đường chứ không còn là chuyến đi chơi ngắn ngày nữa, do đi xe qua nhiều quốc gia, châu lục liên tục mà không về Việt Nam nên phải lo đủ thứ từ visa, giấy tờ nhập cảnh xe, bảo hiểm, bằng lái, các loại giấy khác theo yêu cầu từng nước. Mỗi lần qua đại dương tới châu lục khác lại phải lo đóng thùng, ship xe nên lại kéo theo bao nhiêu chuyện khác phải xử lý.

Phượt thủ Trần Đăng Khoa.
 Phượt thủ Trần Đăng Khoa.

Rồi thời tiết, có nơi cực lạnh, cực nóng, rồi khô hạn, mưa đá, núi lở, bão lũ, băng tuyết, chưa kể nguy cơ trộm cướp, giang hồ, chính trị bất ổn, nhất là nguy cơ tai nạn luôn rình rập ở mỗi mét đường do không nước nào chạy giống nước nào, hay điều kiện đường sá, quy định lại khác nhau. Rồi còn lo xe lâu lâu “nhức đầu, sổ mũi”, kiếm phụ tùng thay thế, rồi đổi tiền, bất đồng ngôn ngữ... Thế nhưng, ai không bắt đầu sẽ không bao giờ về đích mà.

Than khổ vậy thôi, chứ thật ra... khổ thiệt. Nhưng bù lại là những trải nghiệm vô giá, những bài học mới, vô vàn điều mới mẻ mà không đi, không chứng kiến tận mắt thì khó lòng hiểu được. 1.111 ngày là 1.111 điều kì diệu, đẹp đẽ, hay ho, mà sau này khi nhìn lại, xem lại những dòng nhật ký nhỏ từng ngày chắc sẽ nhớ lắm.

Hơn tất cả, món quà lớn nhất là những người bạn mới trải dài khắp các châu lục, ngồi trải lòng và chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống, về những ngày đã qua cũng như tương lai khó đoán định sắp tới, những người nhiều khả năng sẽ khó có cơ hội gặp lại lần nữa nhưng chắc chắn sẽ ghi nhớ đến mãi sau này.

Thôi thì xem như một giấc mơ lớn trong đời đã hoàn thành sau bao năm và bao công sức chuẩn bị, rồi 3 năm vừa rồi tưởng lâu nhưng lại vội qua nhanh chóng ngỡ ngàng, hệt như một giấc mơ vội.

Cuối cùng, xin cám ơn bạn bè Việt Nam và nước ngoài, anh chị em, cô dì, chú bác khắp nơi, các cơ quan lãnh sự tại Pakistan, Chile, Úc, Tanzania, Mozambique... đã giúp đỡ cho chuyến đi được hoàn thành và không thể quên bạn bè trên facebook, instagram đã luôn tin tưởng, theo dõi, đồng hành và ủng hộ cho chuyến đi này từ những ngày đầu tiên. 

Vượt qua những thử thách và giới hạn của bản thân cần nhiều dũng cảm, năng lượng tích cực và hứng thú để đổi mới suy nghĩ. Chắc chắn ai cũng cảm thấy lo lắng, mất cân bằng đôi lúc, nhưng đôi khi thật ra chỉ cần suy nghĩ tích cực, kết quả chắc chắn sẽ rất đáng để mong đợi, vì không có suy nghĩ tích cực sao tạo được động lực, không có động lực sao có được hành động và nếu không có hành động làm sao có được kết quả phải không nào, nếu không có nó thì mọi mơ ước chỉ là ước mơ mà thôi. 

Ngày xưa mình nghịch lắm, hay bị phạt quỳ gối, úp mặt vào tường. Có một ngày ba mình mang đâu đó một tấm bản đồ thế giới về rồi dán vào cho đỡ trống trải, lại ngay chỗ tường hay úp mặt vào. Rồi thì những lần quỳ gối sau có thêm việc để làm cho đỡ buồn chán là hay nhìn vào bản đồ rồi cố gắng nhớ tên và định hình nước nào nằm ở đâu, lớn nhỏ thế nào mà không biết nước đó là cái chi đâu. Thời gian ấy thỉnh thoảng cũng được đi du lịch theo trường hay chỗ ba mẹ làm, đã bắt đầu hình thành giấc mơ được đi khắp thế gian.

Sau chuyến đi này thì mình cũng sẽ sử dụng những tư liệu trong chuyến đi để viết một cuốn sách kỉ niệm và như đã hứa toàn bộ số tiền nhuận bút sách mình nhận được sẽ để dành tặng hết cho các trẻ em mồ côi cha mẹ cũng như gặp những hoàn cảnh khó khăn khác ở nước nhà như một lời tri ân.

Lúc này đây, mình cảm thấy mình thật may mắn vì được tạm gác mọi việc khác còn lại để lên đường thực hiện giấc mơ của mình. Người dám thực hiện giấc mơ của mình thật sự không phải là người giỏi, mà những người vì trách nhiệm bản thân, vì những người khác để tạm gác lại giấc mơ của mình mới là những người đáng trân quý và vĩ đại nhất.

Mình xin cảm ơn tất cả mọi người xa gần và khắp nơi trên thế giới, các anh chị trong cộng đồng du lịch và chụp ảnh, các đồng nghiệp cũ, các ở đại sứ quán các nước, anh thợ sửa xe, các shop bán đồ du lịch... đã hỗ trợ rất nhiều cho chuyến đi này.

Đặc biệt con cám ơn ba mẹ đã cho phép con thực hiện giấc mơ của đời mình vì ba mẹ biết nó ý nghĩa thế nào với con, và con thật sự hạnh phúc khi sau hai mươi năm trải qua bao khó khăn với nhau thì cuối cùng con cũng đã thực hiện được giấc mơ của mình. Như nhiều anh chị đã nói, chưa làm cha mẹ thì chưa hiểu được cảm giác ấy khi thấy nó sắp lang thang không biết phương trời nào, ăn ngủ ra sao, nhưng thấy con mình hạnh phúc và sống tốt…

Trước Khoa, thầy giáo Nguyễn Hoàng Bảo một mình đi “bụi” qua 72 nước và gói ghém kí ức qua cuốn sách Độc hành, Phan Thanh Nhiên… trở thành người Việt trẻ nhất chinh phục đỉnh Everest, là những điểm sáng làm nhiều người Việt nức lòng…

Đọc thêm