Quảng Bình: Tấm gương vượt lên số phận ở xóm nhỏ hàng chục người khiếm thị

(PLO) -Xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là địa phương có hơn 100 người mù. Trong đó, có nhiều người mù bẩm sinh nhưng cũng có người khi sinh ra lành lặn, đến lúc lớn lên lại bị khiếm thị vì nhiều lý do khác nhau. 
Chị em o Vó-o Vẩy đều mù bẩm sinh từ nhỏ.

Ba chị em bồng trẻ đổi cơm

Theo bà Võ Thị Nhường, Chủ tịch Hội người mù xã Quảng Xuân (huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình), trên địa bàn xã có hơn 100 người khiếm thị. Hiện tại, số hội viên tham gia Hội người mù của xã cũng đã lên tới con số gần 90 người. Trong đó, thôn Thanh Bình là nơi có nhiều người mù nhất (khoảng 50 người). 

Theo ông Dương Minh Sơn, phó thôn Thanh Bình, trên địa bàn thôn có khoảng 20 người mù hẳn, những người này mù bẩm sinh từ khi lọt lòng mẹ. Ngoài ra, còn nhiều người khác bị kém thị lực, do các nguyên nhân như tai nạn lao động, tuổi già, bệnh tật dẫn đến mắt kém, đục thủy tinh thể, hỏng mắt.

Ông Sơn trao đổi: “Chưa có nghiên cứu hay công bố nào nói về nguồn nước, khí hậu hay môi trường sống tại đây dẫn tới việc nhiều người bị mù. Đa số bà con đều bị khiếm thị do di truyền, bẩm sinh. Tuy nhiên, đó là chuyện của nhiều năm về trước.

Hiện tại, trong thôn không có người mù nào dưới 20 tuổi. Ngày xưa thiếu thốn đủ thứ, việc chăm sóc bà mẹ, trẻ em không được quan tâm đúng mức nên có nhiều đứa trẻ mới sinh ra mắc nhiều bệnh và đã bị mù. Hiện nay, trên địa bàn thôn nói riêng và xã nói chung không có trẻ em nào chịu khuyết tật về mắt”, ông Sơn trao đổi.

Ở thôn Thanh Bình, khi nhắc tới tên của 3 chị em o (cô) Dương Thị Vó (SN 1960) Dương Thị Vẩy (SN 1962) và Dương Thị Vắn (SN 1964) không ai là không biết. Cả 3 chị em của o Vó bị mù bẩm sinh, sống trong cảnh cơ cực từ nhỏ. Vì thế, người em còn lại là Dương Thị Dung (SN 1968) dù lành lặn nhưng cũng không dám lấy chồng, ở vậy để chăm sóc, đỡ đần các chị. 

Mấy năm qua, o Dung làm bảo vệ, trông coi xe tại chợ trung tâm thị xã Ba Đồn để có tiền trang trải cuộc sống và lo cho các chị. Hiện tại, o Vắn đã mất, hai người mù lòa còn lại nương tựa các cháu sống trong căn nhà tình nghĩa được địa phương xây dựng hồi năm 2003. 

O Vó cho biết, trước đây o có 3 anh trai nhưng 2 người mất từ nhỏ, một người hy sinh tại chiến trường Quảng Nam. Sau đó, mẹ o sinh ra liên tiếp 3 người con gái đều bị mù bẩm sinh; chỉ còn người con gái út, tức o Dung may mắn lành lặn. 

Do bị khiếm thị nên sau khi cha mẹ qua đời, cả 3 o phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của bà con xóm giềng và người thân. Khi lớn lên, cả 3 o nhận bồng trẻ cho bà con trong thôn xóm. Điều đặc biệt, các o chỉ bồng trẻ để đổi lấy bữa cơm chứ không lấy tiền công. 

O Vó kể: “Thời trước ai cũng cơ cực, sinh con ra được vài bữa là phải lo đi kiếm miếng ăn. Bởi vậy, nhiều gia đình neo người, nhờ tụi tui đến bế con để họ làm việc. Trước đây, trẻ con trong làng, hầu như không đứa nào là chị em tui không bồng bế. Thế nhưng, do mắt không thấy đường, tụi tui chỉ bế được trẻ nhỏ, khi chúng biết bò, biết đi thì không dám giữ vì sợ xảy ra chuyện xấu. Dù không thấy chi nhưng tui vẫn mò mẫm, thay tã, thay áo quần cho tụi nhỏ được”. 

Cũng theo o Vó, lớp trẻ mà các o bồng nay đã nhiều người lập gia đình.Về sau này, có trường mẫu giáo, có nhà trẻ và các o ai cũng lớn tuổi, chân tay hay tê nhức nên không dám nhận nữa.

Ông Mỵ tự hào vì nhận được nhiều bằng khen - giấy khen 

Nhà có 5 người mù

Không như trường hợp của 3 chị em o Vó, thời còn nhỏ, ông Nguyễn Văn Mỵ (SN 1964, ngụ thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân) cũng là một đứa trẻ lành lặn. Tuy nhiên, khi lớn lên, mắt ông mờ dần rồi mù hẳn. Sau này, khi lập gia đình, 3 người con gái của ông cũng chịu thiệt thòi vì có khuyết tật giống bố. 

Ông than thở: “Cha mẹ, anh em chẳng ai bị khuyết tật về mắt nhưng tui thì phải chịu thiệt thòi. Trong 5 đứa con của vợ chồng tui, chỉ có 2 đứa sau may mắn lành lặn, còn 3 đứa trước phải chịu thiệt thòi. Có lẽ đó là bệnh di truyền quái ác mà tui đang mang trong mình”. 

Cũng theo ông Mỵ, con gái thứ 2 của ông hạ sinh được một cháu gái tên Nguyễn Thị Thu Loan (SN 2005) . Lúc đầu cháu nhỏ cũng lành lặn nhưng lên 2 tuổi thì bị mờ mắt, đến nay đã mù hẳn. “Hiện cháu đang theo học chữ nổi tại lớp học tình thương xã Quảng Xuân. Tính cả cháu Loan nữa, gia đình tui có tới 5 người bị mù”, ông Mỵ thở dài. 

Dù thân thể tật nguyền nhưng ông Mỵ là tấm gương sáng trong vùng, giúp được nhiều ngư dân trong những ngày họ vươn khơi đánh cá. Sinh ra và lớn lên tại vùng biển, ông Mỵ hiểu tường tận nỗi lo của bà con khi lên tàu ra khơi dài ngày vì chẳng có cách nào liên lạc được với người thân.

Bởi lẽ, khi tàu ra xa khoảng 15 hải lý sẽ không có sóng điện thoại, sóng bộ đàm cũng mất. Từ đó, ông Mỵ trằm trọc suy nghĩ rồi mạnh dạn đi xin lại bộ thu phát sóng bộ đàm cũ về sửa sang lại để thực hiện kế hoạch của mình. 

Năm 2000, sau khi thử nghiệm thành công việc liên hệ qua bộ đàm, kết nối giữa người đi biển và “tổng đài” của mình, ông Mỵ quyết định thành lập “tổng đài Biển Xanh” để giúp bà con yên tâm vươn khơi. Dù vậy, thời điểm ban đầu, không ít bà con e dè vì nghi ngờ khả năng của ông Mỵ. 

Ông Mỵ kể: “Do tui mù lòa nên bà con ngại ngùng, không tin tưởng. Tuy nhiên, mỗi lần bà con có việc hệ trọng trong gia đình, hoặc người đi biển gặp sự cố, thì họ lại nhờ tui liên lạc, kết nối. Ngoài ra, tui còn thường xuyên nghe ngóng tình hình thời tiết để báo đến bà con đang ở ngoài khơi.

Dần dà như vậy, bà con mới yêu thương, tin tưởng mình. Mỗi lần nhờ  tui, bà con đem tới gói bánh, gói thuốc và chai rượu cảm ơn là thấy vui rồi. Bà con với nhau cả, mình lại tật nguyền, không biết làm gì nên khi có việc cũng thấy khuây khỏa”.  

Nhờ những đóng góp hữu ích của mình cho xã hội, ông Mỵ đã nhận được hàng loạt bằng khen, giấy khen của Bộ Thủy sản, UBND tỉnh Quảng Bình…Đặc biệt, vào năm 2004, ông còn vinh dự nhận được Thư khen ngợi của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. 

Nhắc đến chuyện tình yêu với vợ mình, bà Dương Thị Hoa (SN 1965), ông Mỵ cho biết, lúc đầu biết chuyện của đôi trẻ, gia đình phía vợ cũng nhiều người phản đối vì lý do “lấy thằng mù thì về mần chi mà ăn?”. Thế nhưng, bằng tình yêu chân thành, cộng thêm cái gọi là duyên số, cuối cùng hai người cũng về chung một nhà, xây dựng hạnh phúc. 

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhiều người con của vợ chồng ông bị di truyền từ bố, không có đôi mắt lành lặn. Tuy nhiên, ông Mỵ không gục ngã mà luôn phấn đấu vươn lên; ông chính là người cha-người chồng mẫu mực, là tấm gương sáng để các con học hỏi, noi theo.

Đọc thêm