Ông Achim Fock, Giám đốc điều hành hoạt động dự án tại Việt Nam (WB) cho rằng, khu vực Đông Á đang trong thời kỳ đô thị hóa nhanh chóng. Quá trình này mang lại những cơ hội to lớn, nhưng cũng là thách thức về bất bình đẳng kinh tế-xã hội. “Các kết quả nghiên cứu khẳng định, đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu sẽ tạo thêm việc làm cho phụ nữ nếu đi kèm các chính sách phù hợp về giáo dục, hạ tầng giao thông, giúp đi lại an toàn và tiết kiệm thời gian. Nhưng đô thị hóa cũng có thể làm suy yếu cấu trúc gia đình và các mạng lưới hỗ trợ. Vì vậy, đô thị hóa có thể làm tăng gánh nặng đối với phụ nữ và buộc họ phải đánh đổi giữa công việc nội trợ và đi làm để tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều nước trong khu vực đang chứng kiến hiện tượng già hóa diễn ra với tốc độ nhanh chóng đòi hỏi tìm ra giải pháp về dịch vụ chăm sóc giới càng cấp thiết”, ông Achim Fock nói rõ.
Phân tích thêm, ông Francis Ghesquiere, Trưởng Ban Phát triển đô thị (WB) cho biết, đô thị hoá và tạo việc làm trong ngành dịch vụ và công nghiệp nhẹ mở ra cơ hội việc làm cho phụ nữ nhưng họ lại bị thiệt thòi hơn nam giới khi muốn tham gia lực lượng lao động chính thống do chưa bình đẳng về điều kiện đi lại, tiếp cận dịch vụ, mất thời gian và thị trường kém thuận tiện hơn nam giới.
Theo Chuyên gia cao cấp về phát triển xã hội Helle Buchhave, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy sự bình đẳng của phụ nữ có thể đóng góp thêm 4,5 nghìn tỷ USD vào GDP hằng năm vào năm 2025 hoặc cao hơn 12% so với kịch bản kinh doanh như bình thường. Chính vì sự đóng góp không nhỏ của phụ nữ đối với nền kinh tế, theo các chuyên gia, các dự án cần phải tính toán đến 3 giải pháp chính: tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ; tăng số giờ làm việc của phụ nữ (công việc bán thời gian so với công việc toàn thời gian); nâng cao năng suất của phụ nữ so với nam giới bằng cách đưa thêm nhiều phụ nữ vào những lĩnh vực năng suất cao.
Là quốc gia thụ hưởng các dự án thúc đẩy bình đẳng giới tại Đông Á-Thái Bình Dương, hiện tại Việt Nam, WB hỗ trợ các thành phố như TP HCM, Đà Nẵng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long... một số dự án phát triển đồng bộ đô thị năng động, tăng cường cơ hội việc làm cho phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng hòa nhập.
Ở Việt Nam, qua thống kê, năm 2014, tỷ lệ phụ nữ làm việc không có hợp đồng tuyển dụng 47,8%, ở nam giới 37,5% tại đô thị. Đến cuối năm 2016, Việt Nam có 325 khu công nghiệp tạo việc làm cho gần 3 triệu người, 40% là nữ, phần lớn ở độ tuổi sinh đẻ (dưới 35 tuổi). Vì rất thiếu các dịch vụ trông trẻ ở khu vực có khu công nghiệp và khu chế xuất nên phụ nữ khó đi làm lại sau khi nghỉ sinh. Có dịch vụ trông trẻ tiện lợi sẽ khuyến khích bà mẹ đi làm lại sau sinh. Để tạo ra cơ hội bình đẳng cho cả nam và nữ tiếp cận công việc có thu nhập, một số dự án đang triển khai sẽ hỗ trợ các đô thị đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ trông trẻ tốt hơn tại các vùng có khu công nghiệp bằng cách cung cấp hỗ trợ về đất, ngân sách, nguồn nhân lực, xây dựng, cải tạo các nhà trẻ, nâng cao tỷ lệ đón trẻ đến trường, từ đó nữ giới có thể gửi con trẻ ở các nhà trẻ, tăng tỷ lệ có việc làm và thu nhập.
Chia sẻ về các giải pháp chống quấy rối tình dục và đảm bảo an toàn cho phụ nữ trong tham gia hệ thống giao thông, bà Nguyễn Ngọc Tiên, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giao thông xanh ở TP. HCM nêu, TP HCM đã tổ chức phối hợp giữa các sở ban ngành nâng cao năng lực nhận thức về giới, tập huấn cho đội ngũ lái xe bus, trang bị hệ thống camera, thiết bị GPS, phối hợp với lực lượng cảnh sát hình sự và thanh tra giao thông, công an phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm... “Thành phố xây dựng hệ thống giao thông trên định hướng đề cao sự an toàn cho đối tượng phụ nữ, giảm thiểu quấy rối tình dục, giải quyết căn cơ các vấn đề về bình đẳng giới”, bà Tiên nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cùng nhau chia sẻ, phân tích các giải pháp ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ; thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong các dự án, công trình chống lũ tại vùng rủi ro thiên tai; chống nạn bạo hành phụ nữ... để hướng tới mục tiêu rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ, tỷ lệ việc làm cũng như thụ hưởng những thành quả của nền kinh tế đô thị hoá của hai giới.