Sau khi nhận được phương án bồi thường của huyện, ông cho rằng phương án bồi thường hỗ trợ không thoả đáng. Cụ thể, tổng diện tích đất thu hồi 130,8m2 nhưng phương án bồi thường chỉ tính với 100,1m2; còn 30,7m2 không bồi thường.
Bên cạnh đó, giá bồi thường tính cho ông 12,47 triệu đồng/m2, trong khi hộ bên cạnh lại được bồi thường hơn 16 triệu đồng. “Giá bồi thường các công trình, tài sản trên đất gia đình tôi chỉ gần 450 triệu đồng là thiệt thòi; vì cây cảnh, cây ăn trái mua có giá trị mấy chục triệu đồng nhưng lại bồi thường giá cây ăn trái bình thường là không đúng giá trị của cây. Tường xây kiên cố, trong đó có cả dây điện… nhưng Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư (Hội đồng) chưa xem xét đầy đủ”, ông Vũ nói.
Cũng theo ông Vũ, việc thu hồi đất lấy đi cả ngôi nhà mẹ ông đang ở, cổng ngõ xây dựng kiên cố, toàn bộ công trình phụ sinh hoạt hàng ngày. Ngôi nhà này còn là nhà thờ gia đình, nên cần xem xét bố trí cho gia đình ông 1 lô đất tái định cư.
Trả lời PV, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã nói: Vị trí nhà ông Vũ nằm ngay chân cầu Hợp Thanh, thuộc vị trí giao cắt ĐT390 và đường huyện dưới chân cầu. Khi lập dự thảo phương án bồi thường, huyện phối hợp xã xác định vị trí đất thu hồi của ông Vũ thuộc vị trí 1, ven đường huyện, áp dụng đơn giá bồi thường đất ở 12,47 triệu/m2.
Sau khi ông Vũ có kiến nghị, xã đã tổ chức hội nghị xét duyệt, Hội đồng xin ý kiến sở, ngành chuyên môn xác định lại diện tích này thuộc vị trí 1 ven ĐT 390; áp dụng đơn giá bồi thường 16,61 triệu/m2.
Về việc ông Vũ cho rằng Hội đồng kiểm kê còn thiếu một số hạng mục tài sản, vật kiến trúc trong phạm vi giải phóng mặt bằng, sau khi ông Vũ kiến nghị, Hội đồng phối hợp xã và gia đình đã kiểm tra, rà soát, kiểm đếm bổ sung các hạng mục còn thiếu như: Mái hiên, bể phốt, ống thoát nước, lập phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung hơn 33 triệu đồng.
Với những loại cây ông Vũ cho rằng cây cảnh có giá trị lớn như cây chay, lộc vừng… Chủ tịch xã giải thích, những loại cây này thuộc nhóm cây lâu năm, việc bồi thường theo quy định, không áp dụng tính giá trị cây cảnh, nên không thể bồi thường theo ông Vũ đề xuất.
Đơn ông Vũ gửi Báo PLVN. |
Với nội dung 130,8m2 trong sổ đỏ nhưng lại chỉ được bồi thường 100,1m2, ông Đồng Văn Thành, Phó Phòng TN&MT huyện giải thích, năm 2005, UBND tỉnh đã thu hồi một phần diện tích đất ở của gia đình bà Quýnh (mẹ ông Vũ, nay ông Vũ đang sử dụng - NV) để thi công cầu Hợp Thanh. Tuy nhiên khi cấp sổ đỏ, cơ quan chức năng đã căn cứ đơn đề nghị của gia đình và hiện trạng sử dụng thực tế nên đã cấp sổ đỏ chồng lấn lên diện tích đất đã thu hồi năm 2005. Do đó, cơ quan chức năng xác định 30,7m2 là phần diện tích đã được thu hồi để thi công cầu Hợp Thanh; không đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ.
Với đề xuất hỗ trợ đất tái định cư, ông Thành cho biết, sau khi thu hồi đất, hiện phần diện tích còn lại của gia đình ông Vũ là hơn 200m2. Theo luật, việc hỗ trợ tái định cư chỉ áp dụng khi thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở và hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác; nên ông Vũ không thuộc diện được áp dụng hỗ trợ tái định cư.
LS Nguyễn Quốc Phong (Đoàn LS TP HCM) cho rằng: “Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước thu hồi sổ đỏ đã cấp trong trường hợp không đúng diện tích đất. Như vậy, trường hợp này lẽ ra huyện phải kiểm tra lại, thông báo cho ông Vũ biết rõ lý do, ra quyết định thu hồi sổ đỏ đã cấp sai diện tích, theo đúng trình tự thủ tục, chứ không thể giải thích “suông” như vậy cho người dân được”.