Trước đó, ông Châu có đơn cho rằng gia đình có 16.000m2 đất có “bằng khoán” và trực tiếp sử dụng từ năm 1956; gồm ruộng, vườn, mồ mả và 4 căn nhà. Hiện ông Châu đang sử dụng phần đất mặt tiền QL1K để sản xuất kinh doanh.
Năm 2002, toàn bộ khu đất ở ấp Cầu Hang được UBND tỉnh Đồng Nai quy hoạch thành khu dân cư và giao Cty CP Xây dựng Đồng Nai lập dự án quy hoạch. Tháng 5/2003, có 14 hộ dân ở ấp Cầu Hang được xã giao một quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, theo đó đất bị thu hồi không phải để quy hoạch khu dân cư. Quyết định 1516/QĐ.CT.UBT do ông Ao Văn Thinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký ngày 23/5/2003 có nội dung: “Thu hồi 97.848,3m2 đất tại xã Hóa An. Chấp thuận cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN) gốm sứ Đồng Tâm thuê 88.403,8m2 trong số diện tích đất thu hồi trên để đầu tư mở rộng xưởng sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Thời hạn thuê đất 50 năm, giá thuê 500 đồng/m2/năm”.
Văn bản 2109/UBND-KTN của UBND tỉnh yêu cầu rà soát lại sự việc. |
Ngày 10/7/2003, UBND xã mời 14 hộ dân trên đến để công bố Quyết định thu hồi đất, kế hoạch đo đất và đền bù do Phòng Địa chính - Nhà đất TP Biên Hòa triển khai. Tại cuộc họp này, toàn bộ 14 hộ dân đều không đồng ý với quyết định trên. Dù các hộ dân không đồng ý đo đất nhưng sau đó mỗi hộ đều nhận được một “biên bản đo đất” của Hội đồng bồi thường, trong đó một số chỉ số đo đạc, kích thước ngang dọc, bị người dân cho là không đúng thực tế.
Ngày 23/10/2003, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký Quyết định 2923/QĐ.CT.UBT phê duyệt phương án bồi thường công trình xây dựng xưởng sản xuất gốm mỹ nghệ Đồng Tâm, theo đó hội đồng bồi thường TP tiến hành chi trả 5,7 tỷ đồng cho 97.948,3m2 đất thu hồi. Như vậy, 1m2 đất đền bù khoảng 58 ngàn đồng; trong khi người dân cho rằng giá thị trường thời điểm đó khoảng 500 ngàn đồng/m2.
Sau nhiều lần khiếu nại, có 8 hộ với tổng diện tích hơn 12.300m2 đã đồng ý nhận tiền bồi thường, giao đất, chuyển đi nơi khác sinh sống. Còn lại 6 hộ, trong đó có hộ ông Châu, với diện tích đất bị thu hồi hơn 61.800m2 thì không đồng ý nhận tiền bồi thường, tiếp tục khiếu nại.
Sự việc kéo dài khoảng 20 năm, đến ngày 22/2/2024, 6 hộ này nhận được thông báo của Trung tâm Phát triển quỹ đất về việc bàn giao mặt bằng đất đã thu hồi và cấp giấy chứng nhận cho dự án xưởng sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu Đồng Tâm. Ngày 28/2/2024, cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế đất của 6 hộ dân.
Văn bản 2109/UBND-KTN của UBND tỉnh yêu cầu rà soát lại sự việc. |
Theo ông Châu, tại Tờ trình 29/TTr-ĐC ngày 16/1/2003 của Sở Địa chính - Nhà đất xác định việc chuyển từ đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang đất xây dựng công trình thực hiện dự án không nằm trong kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) 5 năm (2001 - 2005) tỉnh Đồng Nai đã được Thủ tướng phê duyệt. Mặt khác, Sở chỉ nêu dự án nằm trong quy hoạch đất dân cư Hóa An, chưa xác định dự án có phù hợp quy hoạch SDĐ hay không.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định 1516/QĐ.CT.UBT ngày 23/5/2003 thu hồi 97.848,3m2 đất và cho DNTN gốm sứ Đồng Tâm thuê để đầu tư mở rộng xưởng sản xuất gốm mỹ nghệ xuất khẩu là không phù hợp thẩm quyền. Vì thẩm quyền thu hồi, cho thuê đất là của UBND tỉnh theo Điều 23 Luật Đất đai 1993, sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2001. Khu đất hiện nay thuộc quy hoạch đất sản xuất kinh doanh theo quy hoạch SDĐ đến 2030 TP Biên Hòa, nên không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Ông Châu đề nghị UBND tỉnh xem xét kiểm tra lại quy hoạch, kế hoạch SDĐ và thẩm quyền tại thời điểm ban hành Quyết định 1516/QĐ.CT.UBT.
Tại cuộc họp về việc xử lý đơn của ông Châu liên quan đến việc ban hành Quyết định 1516/QĐ.CT.UBT do Sở TN&MT chủ trì diễn ra ngày 19/1/2024, một số ý kiến cũng cho rằng về thẩm quyền cho thuê đất theo Luật Đất đai 1993 là thẩm quyền của UBND tỉnh. Tuy nhiên, Quyết định 1516/QĐ.CT.UBT ban hành theo thể thức của Chủ tịch UBND tỉnh là chưa bảo đảm thể thức ban hành; vì vậy cần rà soát thêm nội dung nội dung trên có được thông qua UBND tỉnh hay không và quy chế làm việc của UBND tỉnh khi đó cụ thể ra sao.