Thừa Thiên Huế phát triển du lịch vùng cao

(PLVN) - Du lịch vùng cao huyện Nam Đông và A Lưới thời gian gần đây dần trở thành điểm dừng chân cuốn hút trên bản đồ du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế. Các sản phẩm du lịch đa dạng giúp du khách có thêm trải nghiệm và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo tồn nét văn hóa bản địa đặc sắc.
Du khách trải nghiệm tại làng du lịch cộng đồng A Nôr, xã Hồng Kim, huyện A Lưới.

Việc khai thác các giá trị di sản văn hóa vùng dân tộc thiểu số để phục vụ du lịch đang được chính quyền và bà con hai huyện vùng cao đưa vào các tour tuyến. Cách trung tâm huyện A Lưới khoảng 3km, làng du lịch cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim) đang là điểm du lịch có tiếng.

Giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ dưới chân thác A Nôr, du khách có thể tìm hiểu, khám phá nhiều đặc sản như thịt bò, gạo nếp than, gạo ra-dư, mật ong rừng và các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi; được nghe biểu diễn múa, hát... với đội dịch vụ hơn 10 chị em phụ nữ bản địa. Hằng ngày, diễn viên vẫn lên nương, rẫy bình thường. Dịp cuối tuần, khi khách du lịch tham quan và ở lại trong các homestay, muốn tham gia các hoạt động trải nghiệm, đội dịch vụ sẽ hướng dẫn tham gia các hoạt động với khách.

Thu nhập từ du lịch đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân. Chị Hồ Thị Sinh (làng A Nôr) chia sẻ: “Nấu ăn cho khách hay hướng dẫn khách làm bánh, giã gạo, múa hát… giúp các chị em cảm thấy như đang làm việc nhà mình, nhưng lại có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống, nên ai cũng vui, cũng thích”.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới cho biết, huyện có 5 làng du lịch cộng đồng đang hoạt động. Trong đó du lịch cộng đồng A Nôr, A Roàng là điểm du lịch vệ tinh kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch, dịch vụ được đầu tư nâng cấp, toàn huyện có 29 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú, các cơ sở cơ bản hoàn thiện thủ tục pháp lý, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu du khách.

Huyện đã triển khai tập huấn cho hàng trăm học viên về nghiệp vụ thuyết minh, ẩm thực, quản lý, điều hành khách, một số lớp về xây dựng du lịch xanh. Do đó, lượng khách đến tham quan cũng tăng nhanh, từ năm 2021 đến nay đạt 126.332 lượt, doanh thu khoảng 16,8 tỷ đồng/năm. Các điểm du lịch trên địa bàn được quản lý, bảo vệ và giữ được vẻ nguyên sơ, thân thiện môi trường.

Tại huyện Nam Đông, thời gian gần đây, mọi người rất ấn tượng khi đến với chợ phiên Nam Đông được tổ chức vào dịp cuối tuần. Chợ bày bán từ các mặt hàng ăn uống đến đồ mộc mỹ nghệ, thổ cẩm, hàng lưu niệm đặc trưng các địa phương. Chợ phiên còn tổ chức giao lưu, biểu diễn văn hóa văn nghệ, tạo không khí tươi vui cho điểm đến, tăng sức thu hút du khách. Đây cũng là dịp tốt để quảng bá, giới thiệu hình ảnh quê hương, con người, văn hóa truyền thống các dân tộc anh em trên địa bàn huyện.

UBND huyện còn phối hợp Dự án “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam” tổ chức đợt tập huấn, hỗ trợ người dân Cơ Tu ở thôn Dỗi (xã Thượng Lộ) làm du lịch. Đây là lần đầu cả thôn được hướng dẫn cùng nhau làm du lịch, thay vì chỉ riêng lẻ một vài hộ.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, các điểm du lịch trên địa bàn huyện đã đón hơn 26.102 khách, trong đó khách lưu trú 5.069, doanh thu gần 4,7 tỷ đồng (tăng hơn 24.000 lượt khách và hơn 4 tỷ đồng so với 2021).

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, ông Dương Thanh Phước, khai thác du lịch sinh thái và cộng đồng sẽ là hướng phát triển của du lịch Nam Đông. Việc bà con dân tộc, những người trẻ tham gia làm du lịch cũng là cách để bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu.

Đọc thêm