Tín dụng chính sách góp phần thay đổi cuộc sống của người dân Cố đô

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang được triển khai cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, giúp những hộ nghèo, các hộ thuộc đối tượng chính sách cải thiện cuộc sống; đồng thời góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Với nguồn vốn vay từ chương trình vay SXKD tại vùng khó khăn, gia đình ông Nguyễn Xuân Hòa (xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) đã đầu tư trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Với nguồn vốn vay từ chương trình vay SXKD tại vùng khó khăn, gia đình ông Nguyễn Xuân Hòa (xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) đã đầu tư trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát huy hiệu quả chương trình vay

Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai trong thời gian qua đã giúp các hộ gia đình ở xã thuộc vùng khó khăn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh, có cơ hội thoát nghèo bền vững. Nhiều gia đình, nhờ vào nguồn tín dụng ưu đãi này, đã vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nguồn vốn thuộc chương trình này đã đến được các vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn và ưu tiên các xã còn nhiều hộ nghèo đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất như: chăn nuôi trâu, bò khôi phục và phát triển diện tích trồng cam, chuối, cây cao su, keo tai tượng ở huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc; nuôi cá lồng ở huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà; mô hình trồng nấm, làm nước mắm hộ gia đình ở Phú Vang, cải tạo và phát triển vườn trồng cây ăn quả ở TP Huế, huyện Phong Điền.

Huyện Phú Lộc là một trong những địa phương phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn vay từ chương trình vay SXKD tại vùng khó khăn. Theo gia đình ông Nguyễn Xuân Hòa (xã Xuân Lộc) cho biết, trước đây, gia đình ông đã nhiều lần vay vốn NHCSXH huyện Phú Lộc để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Gần đây nhất là năm 2018, sau khi trả hết nợ cho ngân hàng, gia đình ông tiếp tục được vay 50 triệu đồng chương trình SXKD tại vùng khó khăn từ NHCSXH huyện Phú Lộc để bổ sung thêm nguồn vốn làm ăn của gia đình.

Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đã giúp người dân Thừa Thiên phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương

Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn đã giúp người dân Thừa Thiên phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương

“Với số tiền đó, tôi đầu tư thêm vào trồng tiêu, thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh và cây sầu riêng. Qua 3 năm chăm sóc cây trồng, đến nay gia đình tôi đã có nguồn thu nhập đều từ các cây trên với thu nhập lãi ròng hằng năm từ 150 -200 triệu đồng. Ngoài ra, còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động trong vùng và nhiều lao động thời vụ khác”- ông Hòa cho biết thêm.

Cũng được vay vốn từ chương SXKD, gia đình ông Đào Tắc Tía (xã Lộc Hòa) cho biết, năm 2017, gia đình ông được NHCSXH huyện Phú Lộc cho vay 40 triệu đồng để đầu tư vào trồng cây ăn quả như: Trồng ổi (Đài Loan), bưởi da xanh, quýt và mô hình nuôi heo khép kín. Đến tháng 03/2020, sau khi trả hết nợ, với mong muốn mở rộng sản xuất, ông tiếp tục được vay vốn từ chương trình SXKD 50 triệu đồng và gần nhất vào tháng 10/2021 được NHCSXH huyện Phú Lộc giải ngân chương trình hỗ trợ tạo việc làm để bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư mua giống cây ăn quả mở rộng và đa dạng hóa cây trồng. Qua hơn 4 năm, nay gia đình ông Tía đã có nguồn thu nhập ổn định từ các khoản đầu tư trên, với thu nhập hàng năm từ 250- 300 triệu đồng.

Cần giải pháp đối với xã thuộc vùng khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới

Trong nhiều năm qua, nguồn vốn vay chương trình SXKD tại vùng khó khăn đã cứu cánh cho những hộ không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Nguồn vốn này thực sự hỗ trợ đắc lực trong việc cùng với chính quyền địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, an sinh xã hội. Đồng thời, góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, trong việc xây dựng một xã hội ổn định, công bằng và phát triển; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, giúp người nghèo thoát nghèo một cách bền vững hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo.

Tuy vây, khi xã thuộc khu vực II, khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới, các hộ vay sẽ không được thụ hưởng chương trình này nữa, đây không những là khó khăn cho hộ vay mà cũng là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã giảm 29 xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ. Riêng trong năm 2021, toàn tỉnh giảm 06 xã, hiện nay còn 28 xã được hưởng chính sách tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Trong thời gian tới, nhiều xã thuộc khu vực II, khu vực III sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, đối tượng thụ hưởng chương trình sẽ ngày càng bị thu hẹp.

Từ nguồn vốn vay tại NHCSXH đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn Thừa Thiên Huế
Từ nguồn vốn vay tại NHCSXH đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn Thừa Thiên Huế

Cùng với việc giảm đối tượng thụ hưởng, dư nợ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong năm 2021 đã giảm so với năm 2020. Đến 30/9/2021, dư nợ chương trình này là 530 tỷ đồng, giảm 17,4 tỷ đồng so với năm 2020, số hộ đang còn dư nợ là 14.600 hộ, giảm 1.100 hộ so với năm 2020.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn- Phó Giám đốc NHCSXH Thừa Thiên Huế cho biết, theo quy định, đối tượng được vay vốn chương trình sản xuất, kinh doanh tại các xã thuộc vùng khó khăn là những hộ không thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo nên không thể vay vốn các chương trình này. Để có vốn tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động thì những hộ này chỉ có thể vay vốn ở các ngân hàng thương mại hoặc vay vốn chương trình tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm ở NHCSXH. Tuy nhiên, nguồn vốn thuộc chương trình cho vay để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm ở NHCSXH, còn hạn chế.

Hàng năm, trung ương chỉ bổ sung nguồn vốn đối ứng chương trình này tương ứng nguồn vốn ủy thác tại địa phương chuyển sang, trong khi đó, nguồn vốn ủy thác tại địa phương chuyển sang hàng năm còn khiêm tốn, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn trên địa bàn. Theo kế hoạch năm 2021 của tỉnh Thừa Thiên Huế là giải quyết việc làm cho 16.000 lao động. Để giải quyết việc làm cho người lao động, cần sự tham gia của nhiều phía, từ phía doanh nghiệp, từ bản thân người lao động và từ các cấp, các ngành, trong đó có NHCSXH.

“Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, đề nghị Chính phủ cần xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung đối với chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhiều hộ gia đình đang cần vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đề nghị Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm cân đối nguồn ngân sách đáng kể chuyển sang NHCSXH tỉnh để cho vay...”- ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn chia sẻ thêm.

Đọc thêm